Nhiệt liệt chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 25/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo Nghị quyết của Quốc hội, ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật 22 tháng 5 năm 2016.

Ảnh minh họa

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện-cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Tham gia ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thông qua việc bầu cử này, nhân dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn. Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, trong đó bao gồm cả sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật chúng ta.

 Ảnh minh họa

"Theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là ngày đồng bào ta, nhân dân ta sung sướng, trở thành một công dân độc lập của một nước độc lập, tự tay bỏ lá phiếu thực hiện quyền dân chủ nhân dân, bình đẳng, trực tiếp bỏ phiếu kín. Đây cũng là ngày rất thiêng liêng, lá phiếu của cử tri sẽ lựa chọn ra những đại biểu của mình để vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Để chính đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân; mang trên mình sức mạnh của nhân dân, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Ngày bầu cử đã được ấn định theo quy định của pháp luật và hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta biết được và tích cực chuẩn bị cho Ngày bầu cử 22/5 được tổ chức thành công tốt đẹp".

Chính vì vậy mà tự bản thân của mỗi sinh viên chúng ta có nhiệm vụ thực hiện thật tốt cuộc bầu cử ngày 22/5 này, để Ngày bầu cử thật sự trở thành sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Ảnh minh họa

Khi đi bầu cử, chúng ta mặc nhiên trở thành cử tri. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân đã quy định: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Như vậy, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Luật cũng quy định: Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu và thực hiện bầu cử. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.

Ảnh minh họa

Ngày 22/5/2016, ngày cả nước đi bầu cử đã đến gần, mong rằng tất cả sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật sẽ phát huy tinh thần, thái độ và trách nhiệm của một công dân Việt Nam, xứng đáng là một cử tri có trách nhiệm để lựa chọn bầu ra được những đại biểu ưu tú của đất nước.

Ban Tuyên giáo (Đoàn trường)