Hội thảo “Hòa giải trong quá trình giải quyết tại trọng tài: Vai trò của bên thứ ba trung lập và tác động đối với việc xử lý tranh chấp”

Ngày 05/4/2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hòa giải trong quá trình giải quyết tại trọng tài: Vai trò của bên thứ ba trung lập và tác động đối với việc xử lý tranh chấp”. 


Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật; Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; các giảng viên, luật sư đến từ UEL, VIAC cùng nhiều đại biểu trong nước, quốc tế tham dự qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. 


Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam cho biết hội thảo hướng đến thảo luận đến các vấn đề liên quan đến yếu tố bên thứ ba trung lập – “hòa giải viên” trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài từ góc độ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế; từ đó đưa ra các phân tích, kiến nghị về cơ chế cho bên thứ ba trong khung pháp lý trọng tài.

 


PGS.TS Lê Vũ Nam phát biểu khai mạc Hội thảo



Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC phát biểu tại Hội thảo


Hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói riêng và bằng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói chung dần khẳng định được tính hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp. Qua thực tiễn, có thể thấy rằng, ngoài các bên trong tranh chấp, yếu tố “bên thứ ba” dần xuất hiện hiện nhiều hơn trong các vụ việc, ở nhiều vai trò khác nhau và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của phương thức trọng tài và hòa giải. Tuy nhiên, mặc dù vai trò của “bên thứ ba” trong quá trình giải quyết tranh chấp được công nhận, nhưng với xuất phát điểm là cơ chế giải quyết tranh chấp tư, chi phối bởi thỏa thuận trọng tài giữa hai bên, hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật về trọng tài nào tại Việt Nam cung cấp định nghĩa cụ thể và chi tiết về vai trò và quyền hạn của bên thứ ba, vô hình trung tạo nên những trở ngại nhất định khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cũng như hòa giải.

 


Toàn cảnh Hội thảo


Trình bày tham luận tại Hội thảo, Luật sư Phạm Quốc Tuấn – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC, Trọng tài viên VIAC đã có những khuyến nghị về bổ sung quy định pháp luật liên quan đến quy trình hòa giải trong tố tụng trọng tài và làm rõ phạm vi chỉ thị của hội đồng trọng tài (HĐTT). Cụ thể, luật sư cho rằng cần quy định rõ ràng về nguyên tắc những việc trọng tài viên được làm và không được làm trong quá trình hòa giải tại tố tụng trọng tài; HĐTT có thể tiến hành vai trò như hội đồng hòa giải viên, chỉ khi có sự đồng thuận của các bên và lập tức chấm dứt nếu một trong hai bên không đồng ý; HĐTT có thể đề xuất các bên sử dụng dịch vụ hòa giải của một bên thứ 3 (1 hòa giải viên hoặc tổ chức thực hiện chức năng hòa giải) để giải quyết đồng thời bằng hòa giải và trọng tài. 



LS Phạm Quốc Tuấn – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC, Trọng tài viên VIAC trình bày tham luận “Thực tiễn quy trình hòa giải trong phiên họp giải quyết tranh chấp: Những xung đột có thể xảy ra và khuyến nghị phạm vi chỉ thị của hội đồng trọng tài”



TS Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó trưởng Khoa Luật, UEL trình bày tham luận “Hoạt động hòa giải ở các giai đoạn trước khi thành lập hội đồng trọng tài: Thỏa thuận của các bên và yếu tố hòa giải viên”



GS Jeffrey E. Thomas – Phó trưởng khoa về Sáng kiến chiến lược & Chương trình sau đại học, Trường Luật, ĐH Missouri – Thành phố Kansas (Hoa Kỳ) trình bày tham luận “Kinh nghiệm quốc tế: Quy trình lồng ghép hòa giải trong trọng tài và những khuyến nghị trong việc áp dụng”



LS Ngô Quỳnh Anh – Công ty Luật TNHH EP Legal trình bày tham luận “Kiến nghị về quy định liên quan đến hòa giải trong tố tụng trọng tài và lưu ý về vấn đề chuyển đổi phương thức giải quyết tranh chấp” 

 

Hội thảo tập trung thảo luận, giải đáp thắc mắc về các vấn đề: mâu thuẫn của trọng tài viên và hòa giải viên, vấn đề liên quan đến công nhận hòa giải thành, biểu phí trọng tài, xung đột có thể xảy ra đối với quy trình hòa giải,...

 
Đây là Hội thảo thứ ba thuộc khuôn khổ chuỗi hoạt động Diễn đàn khoa học về trọng tài, hòa giải 2024, lấy chủ điểm chính là “bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài”, diễn ra từ 22/3 – 11/4/2024 do VIAC phối hợp cùng khối viện, trường, cơ sở đào tạo luật triển khai. 



Ban tổ chức và các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm


Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông