8x tìm đường hồi sinh những sản phẩm dân gian

Bỏ công việc với cơ hội thăng tiến cao, An Nhiên khởi nghiệp với giấc mơ hồi sinh những sản phẩm gần như đã đi vào quá khứ. 

Đầu năm 2016, An Nhiên về TP HCM với sản phẩm mong đợi trong tay. Đó là ít mật mía và số điện thoại của một hộ dân ở Nghệ An, những người đã trao cho chị cái gật đầu hợp tác dài lâu.

Đây không phải là lần đầu cô gái sinh năm 1989 bỏ thành phố đi tìm vùng đất hứa cho những sản phẩm tưởng như đã mất dấu trên thị trường.

Trong một lần tình cờ trò chuyện cùng bạn, chị hồ hởi khi nghe nhắc đến mật mía, một cái tên của quá khứ. "Nó làm tôi nhớ đến mùi vị của ngày xưa. Cái tôi trong mình thúc đẩy phải tìm cho bằng được nơi lưu giữ trọn vẹn ký ức ấy và đưa chúng trở lại với đông đảo mọi người", chị chia sẻ.

Nghĩ là làm, An Nhiên lên mạng tìm hiểu thông tin và biết sản phẩm có nguồn gốc từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An. Chị cùng một người bạn nhanh chóng lên đường. Một tuần lang thang khắp miền Trung dập tắt mọi hy vọng. Phương thức sản xuất mật mía truyền thống đã không còn phổ biến. Trên đường đi, hai người bạn có lúc tranh cãi liệu nên đi tiếp hay dừng lại. Và họ quay về TP HCM. 

An Nhiên nhiều đêm thao thức và ám ảnh bởi sản phẩm. Chị quyết định "tìm cho đến khi nào ra mới thôi".

 

An Nhiên cùng hai cộng sự cùng đi qua những thăng trầm để phát triển các sản phẩm dân gian. 

 

Lần này, một mình cô gái 8x trên mọi phương tiện từ máy bay, xe bus, xe ôm và cuốc bộ đến những vùng quê hẻo lánh nhất. Có lúc những nỗi sợ vây lấy, nhưng niềm tin, sự kỳ vọng bởi một manh mối nhỏ từ người quen đã dẫn dắt chị đến đúng nơi cần tìm.

Cuối cùng, cô cũng thấy những cây mía tươi được xay ra nước và nấu công phu với quá trình lọc cặn liên tục. Những giọt mật mía chảy tràn như lời khẳng định cho câu hỏi bấy lâu. Cách làm mật mía truyền thống vẫn tồn tại và người dân Nghệ An dùng nó để chế biến bánh kẹo.

Từ mật mía, chị liên kết với nhà cung cấp phát triển các sản phẩm đường khuôn, đường vàng và đường đen. Trong đó, đường khuôn (đường bát) là phiên bản mật mía cô đặc. Đường vàng và đường đen ra đời từ quá trình quay ly tâm mật mía. 

Những sản phẩm từ mật mía có thể dùng chế biến nhiều loại món ăn, đặc biệt là kho cá, thịt, nấu chè, làm bánh kẹo, pha trà, pha nước mát... Tùy vào phong cách chế biến món ăn và khẩu vị, người sử dụng có thể chọn sản phẩm phù hợp.

Cô gái trẻ khá lo lắng về sự đón nhận của thị trường. Tuy nhiên, phong vị của quá khứ và bản chất thuần khiết của những mặt hàng đã nhanh chóng thu hút mọi người. Dù mới ra mắt được nửa năm nhưng An Nhiên khẳng định sản phẩm đã sinh lợi. Cuối năm 2016, cửa hàng online "Ngọt - Vị ngọt truyền thống" mỗi ngày bán đến 100 sản phẩm nhưng vẫn không đủ hàng để cung ứng. 

Đây không phải lần đầu 8x này dấn thân vào các sản phẩm dân gian. Năm 2013, chị từng bán những loại nước uống thiên nhiên như nha đam, trà bí đao, sâm thảo mộc trên chiếc xe đẩy. Tất cả đều do chính chị thực hiện với công thức tự chế bằng cách lên mạng tìm hiểu, bày nguyên liệu ra bàn, nấu và nếm thử. Sản phẩm lúc ấy mỗi ngày đều bán được trên dưới 100 chai nước. 

An Nhiên thừa nhận đó là khoảng thời gian khó khăn khi từ bỏ công việc tại một công ty xuất nhập khẩu với nhiều cơ hội thăng tiến. Trước đó, chị cũng từ bỏ cơ hội ở lại làm việc tại Singapore sau khóa thực tập 6 tháng với mức lương nghìn đô.

Sản phẩm nước mát ban đầu không lời nhưng do chi phí vận hành khá thấp nên vẫn được duy trì. "Ngọt - Vị ngọt tự nhiên" sau này với sản phẩm chủ lực từ mật mía lại nhận được khoản đầu tư 40 triệu để có cơ hội chắp cánh trên thị trường. Song song đó, chị cũng đã tìm hai cộng sự cùng phát triển công việc hiện nay. 

Cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật tiết lộ sắp tới sẽ cho ra mắt tiếp một dòng sản phẩm dân gian khác để mang hương vị dân dã ngày xưa trở lại với đời sống hiện đại.

"Đa phần các sản phẩm ngày xưa đều có tính dinh dưỡng cao, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Điều đặc biệt nhất là sản phẩm có bản chất tự nhiên, nguyên bản và không có hóa chất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và có hương vị rất ngon", chị chia sẻ.

Nguồn: Trương Sanh (Vnexpress.net)