Trong cuộc chiến đấu chống thực dân và đế quốc xâm lược nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cùng nhân dân Miền Nam luôn nêu cao tinh thần anh dũng quật cường đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng Miền nam thống nhất đất nước. Qua 45 năm chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo; mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm nên diện mạo mới cho Thành phố.
Kiên cường, anh dũng “Sài Gòn đi trước về sau”
Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; hoàn thành sứ mệnh lịch sử là: mở đầu oanh liệt và kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 30 năm để dành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Từ ngày 15 đến 21 tháng 11 năm 1975, tại Dinh Độc lập (nay là Hội trường thống nhất), Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước đã diễn ra. Đó là sự kiện quan trọng trong năm đầu Sài Gòn - Gia định được giải phóng, thực hiện ý chí thống nhất giang sơn của Nhân dân Việt Nam.
Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn
lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.( Ảnh: TTXVN)
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xem xét và thảo luận rằng: Nhân dân Thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc Thành phố mang tên Người; trong công cuộc đấu tranh Cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn – Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
45 năm sau, tiếp nối truyền thống cách mạng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu không ngừng để xây dựng và phát triển ngày càng văn minh hiện đại, xứng danh thành phố mang tên Bác.
Phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực
Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp khi vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa phải giữ vững ổn định chính trị.
Trong 10 năm (1975-1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, thành phố đã nỗ lực vươn lên, phát triển sản xuất, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu kinh tế của cả nước.”
Toà nhà Landmark 81 hiện đại lung linh bên dòng sông Sài Gòn về đêm - Một địa điểm nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh (Ảnh: Internet)
Kinh tế thành phố tăng trưởng liên tục. Đặc biệt, giai đoạn 1991-2010, thành phố là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hai con số trong suốt 20 năm. Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng khu chế xuất, cùng với trên 10 khu công nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, luôn đi đầu trong công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, GRDP năm 2020 của thành phố tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2019. Đây không phải là mức tăng trưởng lớn so với những năm qua, đây là nỗ lực của TP góp phần ổn định tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Các em học sinh lớp 1 hào hứng trong Lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Internet)
Giáo dục-đào tạo không ngừng phát triển, là địa phương đi đầu cả nước về phổ cập giáo dục, đến nay thành phố đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc Trung học phổ thông, nâng cao mặt bằng dân trí... Việc phát triển khoa học-công nghệ cũng tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đi sâu ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao…
Cơ sở hạ tầng giao thông được củng cố đầu tư, nhiều tuyến đường được xây dựng (đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt...) hàng loạt cầu vượt, hầm chui được đưa vào sử dụng; Công trình thi công đường sắt đô thị đầu tiên tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên cũng đã thành hình,.... Cùng với đó, Thành phố cũng đã đầu tư cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn và đạt nhiều kết quả tốt...
Nút giao thông hiện đại được hình thành tại khu vực Cát Lái-Xa lộ Hà Nội, góp phần phát triển khu đô thị mới tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh:TTXVN phát)
Dù mới triển khai xây dựng đô thị thông minh, nhưng người dân thành phố đã bắt đầu được hưởng các tiện ích mang lại. Các đơn vị đã cung cấp một số tiện ích cho người dân như: cảnh báo ngập, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tình hình giao thông qua camera, đăng ký khám bệnh và tự tra cứu giá dịch vụ, giá thuốc tại một số bệnh viện…
Thành phố Hồ Chí Minh cũng được biết đến là địa phương đi đầu cả nước trong các phong trào từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Qua các phong trào, ngoài đạt được những kết quả rất tích cực cho xã hội còn tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, khơi dậy truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" trong xã hội.
Mô hình "Siêu thị mini 0 đồng" tại đường 17, phường Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức) nhằm giúp đỡ
người dân khó khăn trong thời điểm giãn cách vì dịch Covid-19 (Ảnh: VnExxpress)
Những phong trào đó là những sản phẩm thể hiện trí tuệ, sự nhạy bén và thích ứng cùng quá trình và xu thế hội nhập của Thành phố mang tên Bác. Những sản phẩm thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố đã mang lại những hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đang xây dựng.
Tượng đài Bác được đặt trước trụ sở HĐND, UBND TP.HCM trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Ảnh: Internet)
Nhìn lại những thành tựu của Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong hơn 45 năm qua, có thể thấy thành phố đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, tự hào mang tên Bác. Không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những đại lộ thênh thang, những công trình kiến trúc mang tầm thế kỷ... thành phố còn có cả một nền tảng kinh tế-xã hội vững vàng, năng động và tăng cường hội nhập sâu rộng với thế giới.
Nguồn: Đảng bộ TP.HCM, TTXVN