Khi nhắc đến Kinh tế - Luật là nói đến một môi trường học tập văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp cùng những hình ảnh đẹp của sinh viên chúng ta. Với những hành động cụ thể như: đeo thẻ sinh viên khi đến trường; xếp hàng ngay ngắn khi chờ đi thang máy; trang phục gọn gàng, lịch sự; thái độ ứng xử chuẩn mực;… Đây là những quy tắc ứng xử của đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật được Đoàn thanh niên – Hội Sinh viên vận động thực hiện nhiều năm qua.
Đeo thẻ sinh viên – Kiến tạo nét đẹp văn hóa giảng đường.
Thẻ sinh viên chính là “bản chứng minh nhân dân 2” đáng tự hào của mỗi sinh viên. Nhưng bên cạnh đa số sinh viên ý thức được điều đó, vẫn còn một bộ phận chưa nhận thức được lợi ích của việc đeo thẻ với hàng tỷ lý do. Nào là “cái hình thẻ xấu dã man, nhìn mặt ngố không chịu được”, “chỉ thêm vướng víu, khó chịu, như học sinh mẫu giáo”. Nhưng các bạn à, việc đeo thẻ sinh viên có rất nhiều ý nghĩa đấy!
Không phải ai cũng có thể đường đường chính chính bước chân vào giảng đường đại học bằng tấm thẻ sinh viên đeo trên người mình. Nó chính là “tấm vé thông hành” để những khi đến trường không chỉ đảm bảo việc ra/vào trường, liên hệ các Phòng/Khoa, sử dụng các dịch vụ tiện ích và học tập tại trường cũng như bên ngoài,…mà còn để mọi người biết bạn là ai, sinh viên Trường nào, Khoa nào, Ngành nào, Khóa bao nhiêu. Ngoài ra, mỗi Khoa có một màu dây đeo thẻ khác nhau có vai trò như một phụ kiện trang sức rẻ, đẹp và trang nhã mà vô cùng hiện đại thời trang, giúp bạn đẹp hơn trong mắt mọi người.
Đeo thẻ sinh viên cũng có nghĩa là bạn tự bảo vệ bản thân, tập thể và chung tay cùng nhà trường trong việc hạn chế người lạ trà trộn vào với mục đích xấu. Đây cũng là cách bạn tự hào về bạn, về ngôi trường bạn đang theo học.
Trang phục gọn gàng – Tác phong lịch sự.
Để vẻ đẹp sinh viên thêm hoàn thiện thì trang phục là một yếu tố rất quan trọng.
Sự giao thoa của nhiều luồng văn hóa khác nhau, cùng với quá trình hội nhập vì thế đã làm cho “cơn lốc ăn mặc” bị ảnh hưởng theo phương Tây.
Xu thế ăn mặc hiện nay là tiết kiệm vải tối đa mà đặc biệt là ở các bạn nữ. Nữ ăn mặc sexy nào là áo cúp ngực, quần ngắn cũn cỡn, voan mỏng tang, tóc nhuộm nhiều màu và tầng,…Những hình ảnh ấy được đánh giá là ăn mặc quá dễ dãi, thậm chí là thiếu đứng đắn, không phù hợp với môi trường học tập.
Nhưng dù xã hội có phát triển đến đâu, dù phong cách phương Tây có phóng khoáng, hiện đại đến đâu thì văn hóa người Á Đông vẫn luôn hiện hữu và đậm chất trong ta. Thế thì đâu mới là nét văn hóa học đường thật sự trong trang phục của học sinh, sinh viên. Nó không ở đâu xa mà trong chính con người các bạn. Và sinh viên UEL luôn tự tin và nổi bật tại bất kỳ nơi đâu với sắc áo đồng phục trắng và xanh. Các bạn cũng luôn năng động với áo thun ngoại khóa của Trường/Khoa/CLB/đội/ nhóm phối cùng chiếc quần jean đơn giản, kín đáo mà trẻ trung. Riêng các bạn nữ ăn mặc gọn gàng, điểm thêm cái nơ cài tóc là đã rất duyên rồi.
Có thể nói, nét đẹp trang phục nơi học đường là nói đến nét đẹp của tri thức, tâm hồn trong sáng, đầy hoài bão và sức trẻ. Bởi “ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà còn thể hiện thái độ tôn trọng người khác”.
“Một hàng dọc nhìn trước thẳng”-rất ngay ngắn chờ thang máy.
Xếp hàng để đi thang máy là một hình ảnh văn minh, thể hiện rõ ý thức tự giác và văn hóa của sinh viên.
Một bạn sinh viên cho biết: “Việc xếp hàng theo thứ tự để dung thang máy dần dà đã trở thành thói quen của mình. Nếu việc gấp quá thì mình có thể dung thang bộ, chứ còn ai cũng muốn tranh nhau đi trước, chen lấn, xô đẩy thì thang máy nào chịu xuể!”.
Đúng vậy, hình ảnh sinh viên UEL mỗi ngày xếp hàng cùng nhau để sử dụng thang máy hay liên hệ với các Phòng/Khoa đã trở nên quen thuộc và gần gũi. Đây không chỉ thể hiện sự văn minh, lịch sự và ý thức tự giác cao của sinh viên mà đồng thời là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong các bạn bao nhiêu năm qua. Cứ thế, Khóa sau theo gương Khóa trước nhân rộng nét đẹp đặc trưng này. Cảnh chen lấn, mất trật tự khi đi thang máy trở thành hình ảnh xa lạ ở Trường Đại học Kinh tế - Luật.
Hãy chủ động để tuân thủ theo quy định để tạo công bằng cho tất cả mọi người, cũng là giữ gìn một môi trường học tập văn minh, lịch sự và hình tượng đẹp của sinh viên UEL được giới thiệu rộng rãi hơn.
Nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” là biểu hiện của ứng xử văn hóa.
Trong ứng xử giữa cộng đồng, khi “Cảm ơn” và “Xin lỗi” được trình bày một cách chân thành là một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa cá nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.
Không biết các bạn đã từng biết thông tin khá thú vị này chưa? Đó là, tại Nhật một tuyến đường sắt bán tư nhân đã đổi tên hai trạm xe lửa của mình thành Arigato (Cảm ơn) và trạm trước là Gomen (Xin lỗi). Chủ đích của người đưa ra sang kiến này là làm mọi người nói hai chữ “Cảm ơn” và ‘Xin lỗi” nhiều hơn và tự nhiên hơn. Sự thay đổi này, ít nhất khiến những người đi trạm không còn ngượng nghịu khi nói hai từ tưởng chừng đơn giản này.
Đặc biệt là sinh viên chúng ta - những tri thức trẻ tương lai, có giáo dục thì không thể phủ nhận tầm quan trong của hai cụm từ này. Chúng ta đừng e ngại nói “Cảm ơn” hay “Xin lỗi” với những người xung quanh như cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hay chú bảo vệ, cô cô tạp vụ,… Hãy tưởng tượng, nếu cuộc sống này thiếu nó thì mọi người sẽ khép kín lại và không quan tâm đến nhau!
“Cảm ơn” và “Xin lỗi” không chỉ thể hiện thông qua lời nói, mà có thể là một ánh mắt biết ơn, một nụ cười trìu mến. Và “Xin lỗi” là những hành động cụ thể để khắc phục lỗi lầm của mình. Đây cũng là cách các bạn nhận được sự yêu mến và tôn trọng từ người khác.
Lời “Cảm ơn” hay “Xin lỗi” không chỉ đem lại niềm vui tới người nhận, mà còn gỡ rối các mối quan hệ và con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn. Nào, các bạn sinh viên hãy tập cho mình thói quen nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi”, bởi nó không thể thiếu hay thay thế được trong cuộc sống này.
Luôn tự hào là môi trường học tập tích cực, văn minh, UEL hiện được xem là ngôi trường mong ước của học sinh cả nước. Vì vậy, là mỗi thành viên sống dưới mái nhà chung UEL hãy không ngừng nâng cao ý thức, tác phong, lối sống văn hóa để chúng ta sẽ luôn là ngôi trường “Văn minh, Năng động và Thân thiện”.
Hình ảnh, Clip: CLB Truyền thông (Đoàn trường)