Sự liều lĩnh nhỏ đầu tiên của tôi

Càng về những năm tháng cuối cùng của thời sinh viên, tôi mới càng nhận ra được một phần tuổi trẻ của mình sắp qua đi.

4 năm về trước, thời ấy, các thông tin tuyển sinh chưa được phổ biến như bây giờ. Tôi ra hiệu sách, mua cho mình một cuốn  “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012” và bắt đầu công cuộc tìm cho mình một “bến đỗ” tiếp theo. Mất một thời gian khá lâu để tôi cân nhắc, cuối cùng, tôi quyết định chọn Ngành Kinh doanh quốc tế của Khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Kinh tế - Luật (UEL), một trường thành viên của ĐHQG TP. HCM. Tôi học không giỏi lắm, nhưng chỉ nộp hồ sơ dự thi Đại học vào một trường duy nhất, đó cũng là một cách mà tôi đẩy mình vào bước đường cùng, khi vào đường cùng người ta thường có những động lực lớn để cố gắng. Lúc ấy, tôi nghĩ mình đã khá liều lĩnh khi chỉ nộp một hồ sơ, mà lại còn nộp vào một ngành mới toanh của trường. Muốn làm kinh doanh, không liều lĩnh thì sao thành công, và đó chính là sự liều lĩnh nhỏ đầu tiên của tôi.



Tụi học sinh cấp 3 chúng tôi bấy giờ, thường đua nhau nộp hồ sơ vào những ngành, với những cái tên thật kêu, ngay cả nhiều bậc phụ huynh cũng tiếp sức cho lối suy nghĩ này. Qua những năm học Đại học, tôi dần cảm thấy, những cái tên ấy, không còn mấy quan trọng. Điều cốt lõi vẫn nằm ở việc chọn được cho mình một môi trường tốt và luôn vận động để phát triển bản thân. Suốt 4 năm qua, tôi chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình.

UEL đã giúp tôi tìm được những người bạn, người chị, người anh tuyệt vời, những thầy cô nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi khi gặp khó khăn, trong học tập cũng như trong cuộc sống. Và một phần không thể thiếu tạo nên thời sinh viên của tôi là Liên chi hội khoa Kinh tế đối ngoại, mà chúng tôi hay trìu mến gọi bằng cái tên “Tổ chim”, nơi có những chú “chim non” hay những “cánh bàng” luôn thân thiết với nhau.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, là con cả trong gia đình, vào TP. HCM học tập, làm việc nhưng tôi luôn mong muốn một ngày không xa, sẽ quay về quê hương lạc nghiệp, an cư. Vì vậy, ý tưởng xây dựng một sản phẩm, dự án kinh doanh giúp tôi có thể phát triển tốt trên chính mảnh đất này dần dần được hình thành. Đó chính là sản phẩm cơm rang, vốn là một món ăn truyền thống của người Quảng Ngãi, được tận dụng từ cơm còn dư sau mỗi bữa ăn, phơi khô và rang lên để ăn vào các bữa phụ.

Sinh viên Lê Tịnh Minh - K12408 (ngoài cùng bên phải) đạt giải  Khuyến khích giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2015

         Người ta thường không biết sức mình sẽ đạt tới mức nào, nếu như không thử một lần vượt qua các giới hạn của bản thân. Tôi cũng vậy, vào thời điểm mở đăng kí Giải thưởng tài năng Lương Văn Can tôi chưa hoàn thành chương trình năm 3 của mình, chưa có bất cứ kiến thức gì về thẩm định và quản trị dự án đầu tư, nhưng được sự động viên, hỗ trợ của anh, chị trong gia đình “Tổ chim”, tôi đã can đảm nộp đề án kinh doanh của mình. Từ đó, chuỗi ngày ăn ngủ cùng đề án bắt đầu.

Tôi dự thi với tư cách cá nhân, nên hầu như phải tự làm hết mọi khâu trong đề tài. Trong đó, khó khăn nhất có lẽ là việc một mình đi - về tuyến Quảng Ngãi – TP. HCM với khoảng cách gần 800 km để thu thập dữ liệu, thực hiện các khảo sát, nghiên cứu thị trường. Đồng thời, còn phải tự bổ sung các kiến thức chuyên ngành còn thiếu để phục vụ cho việc viết đề án. Khoảng thời gian này, tuy khó khăn, vất vả, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng cân bằng giữa việc học ở lớp, công việc và làm đề án. Sau tất cả, tôi đã thu về nhiều bài học quý báu cho bản thân mình.

Không chỉ có vậy, Giải thưởng tài năng Lương Văn Can còn là cơ hội gặp gỡ giữa sinh viên và doanh nghiệp. Đội ngũ Ban giám khảo, hướng dẫn của Giải thưởng đều là các anh, chị doanh nhân thành đạt, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Vì vậy, sự thành công của UEL năm nay, với 3 đề án Đạt giải, dẫn đầu về số lượng trong các trường tham gia, tôi tin rằng, UEL đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: sinh viên Kinh tế - Luật, không chỉ có hát hay, múa đẹp mà còn đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học và sẽ là nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

Giải thưởng tài năng Lương Văn Can thực sự là một giải thưởng khởi nghiệp danh giá. Nếu như một số trường như ĐH Đồng Tháp, ĐH Kinh tế TP. HCM thông tin về cuộc thi được phổ biến rất mạnh trong sinh viên, thậm chí còn có một hội đồng cố vấn và hỗ trợ cho các thí sinh tham gia cuộc thi thì ở UEL, công tác thông tin còn rất yếu, chưa có đơn vị nào của trường đứng ra truyền tải thông tin cũng như hỗ trợ sinh viên trong công tác thực hiện đề án. Bản thân tôi và các bạn tham gia đề án năm nay, đều nhận thông tin từ các nguồn khác bên ngoài, trong thời gian thực hiện đề án, gặp rất nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ từ trường. Đồng thời, sự hỗ trợ đó cũng sẽ là một chỗ dựa tinh thần lớn, giúp sinh viên UEL thêm tự tin, mạnh dạn bảo vệ đề án của mình trước các đề án đến từ trường bạn. Vì vậy, trong mùa giải 2016 tới, với sự hỗ trợ ngay từ đầu của nhà trường, tôi tin rằng UEL sẽ tiếp tục giữ vững vị thế đầu bảng và tăng cả về số lượng lẫn chất lượng đề tài.

Giờ đây, khi chỉ còn một học kỳ nữa, một thế hệ tiếp theo của UEL sẽ bay đến những bến đỗ mới của cuộc đời mình, nhưng tuổi trẻ UEL đã và sẽ luôn và một phần mà chúng tôi mãi không bao giờ quên.

Lê Tịnh Minh- K12408