Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 – 1980) là một biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần giản dị. Ở Bác Tôn, như cách mà chúng ta vẫn gọi Người, những đức tính cao đẹp ấy được người dân trong nước và bạn bè thế giới ngưỡng vọng. Trong điện chia buồn gửi đến với Đảng và Nhà nước ta sau khi Bác Tôn qua đời, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba Fidel Castro đã viết: “…Đồng chí đã được toàn thể nhân dân Việt Nam và những người cách mạng trên thế giới kính trọng và yêu mến”. Có lẽ đây là nhận định mang tính khái quát và vô cùng sâu sắc về đồng chí Tôn Đức Thắng, về Bác Tôn kính yêu của chúng ta.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980). (Ảnh tư liệu)
Là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, Bác Tôn hoàn toàn xứng đáng với danh vị đó, không chỉ vì những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam mà còn tinh thần đoàn kết, tính biểu tượng cao cả của Người. Trong lễ trao tặng ngày 20/8/1958, đúng vào dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến. 4 năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. (…) Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. (Ảnh tư liệu)
Cũng trong dịp này, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã phát biểu: “Sự cống hiến lớn lao của đồng chí cho nền độc lập dân tộc và hòa bình thế giới đã được nhân dân thế giới kính mến. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lenin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới. Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập”.
11 năm sau, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bác Tôn được Quốc hội khóa III, kỳ họp thứ 5 (ngày 23/9/1969) bầu làm Chủ tịch nước và đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong dịp này, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã có lời chúc mừng: “Cụ Tôn Đức Thắng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng là hai chiến sĩ lão thành của cách mạng Việt Nam, những người bạn chiến đấu gần gũi của Hồ Chủ tịch. Hai đồng chí được Quốc hội nhất trí tín nhiệm giao cho trọng trách lãnh đạo Nhà nước ta là rất xứng đáng. Sự tín nhiệm của Quốc hội tức là sự tín nhiệm của toàn dân ta. Điều đó làm cho nhân dân ta ở cả hai miền, các chiến sĩ ngoài mặt trận cũng như đồng bào ở hậu phương và bè bạn ta trên thế giới vui mừng, phấn khởi”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm công nhân vùng mỏ Quảng Ninh năm 1975. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những ghềnh thác khắc nghiệt, trong đó có chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (năm 1975), chiến thắng hai cuộc xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (năm 1979). Ngày 30/3/1980, Bác Tôn từ giã chúng ta để đi gặp Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối khác. Tại lễ truy điệu diễn ra ở Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã đọc điếu văn với những lời lẽ vô cùng xúc động: “Đồng chí Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân Việt Nam mất một chiến sĩ cách mạng kiên cường, mẫu mực, một người lãnh đạo kính mến và thân thiết. Đồng chí là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta, là một trong những người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. (…) Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất kỳ ở cương vị công tác nào, mặc dù tuổi cao, đồng chí luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Toàn thể đồng chí và đồng bào chúng ta rất tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng của đồng chí…”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh cách đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. (Ảnh tư liệu)
Là một trong số những nhà cách mạng tiêu biểu của Việt Nam có tầm ảnh hưởng thế giới, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có gần 70 năm hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ và có nhiều đóng góp to lớn trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam và các nước trên thế giới. Ở Người, chúng ta có thể mượn lời nhận xét rất cô động trong cuốn hồi ký Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, do Nxb. Chính trị quốc gia ấn hành năm 2003: “Đồng chí là một người cộng sản tiêu biểu của chúng ta”. Vâng, đó là một người cộng sản tiêu biểu, một nhà cách mạng được kính trọng và yêu mến, không chỉ ở Việt Nam!
Nguồn: Tổng hợp