Những điều ít biết về Hiệp định TPP

Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành một Hiệp định quan trọng của thế kỷ 21, đặt ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu, đồng thời tiếp tục giải quyết các vấn đề của thời đại mới. Sau đây, là những điều không phải ai cũng biết về Hiệp định này: 

1. Thời điểm có hiệu lực

Tuy đã được Bộ trưởng Thương mại của 12 nước thành viên thông qua vào ngày 05/10/2015 nhưng Hiệp định này chỉ đi vào đời sống thực tiễn khi Nghị viện/Quốc hội của tất cả các nước thành viên (bao gồm Việt Nam, Hoa Kỳ, Malaysia, New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Canada, Mexico và Nhật Bản) thông qua.


Bộ trưởng thương mại của 12 nước thành viên Hiệp định TPP

2. Tầm quan trọng không chỉ trong thương mại, mà còn cả về địa chính trị

Thường được coi là “xương sống kinh tế” trong kế hoạch chiến lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại châu Á, mục tiêu đối với Mỹ và Nhật Bản là phải vượt mặt Trung Quốc, nước không thuộc TPP, và lập nên một vùng kinh tế ở Vành đai Thái Bình Dương nhằm cân bằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Điều này cũng nhằm lập ra những nguyên tắc cho nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, quy định từ chuyển giao dữ liệu giữa các nước cho đến thủ tục để các công ty do chính phủ quản lý được phép cạnh tranh trên trường quốc tế.

“Chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các hoạt động thương mại hiệu quả”, ông Obama phát biểu trưởng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. “Và đó là mục tiêu chính của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại trong một khối chiếm 40% nền kinh tế thế giới, một hiệp định sẽ mở ra những thị trường mới, đồng thời bảo vệ quyền của người lao động và môi trường cạnh tranh nhằm đảm bảo phát triển lâu dài”.

3. Có thể trong tương lai Trung Quốc sẽ gia nhập TPP

Trước đây, TPP được coi là một động thái của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, trong những năm gần đây, quan điểm của Washington đã bớt căng thẳng hơn trước. Phía Trung Quốc cho biết họ đang theo dõi cẩn thận sự phát triển của TPP và có thể tham gia đàm phán thương mại.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ tin rằng, một trong những lợi ích mà TPP mang lại đó là thu hút thêm nhiều nước khác gia nhập, cụ thể là Trung Quốc.

Hiện đang có nhiều nước khác muốn gia nhập khối kinh tế này, bao gồm các nước châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines hay các quốc gia châu Mỹ Latinh như Colombia.

4. Có thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nền kinh tế lớn

Nhật Bản và Mỹ chưa từng có một thỏa thuận thương mại song phương trước đây. Nhưng khi Nhật Bản tham gia đàm phán TPP vào năm 2013, hai nước đã bàn về việc thương mại từ xe hơi cho đến thịt bò, gạo và thịt lợn. Điều này cho thấy TPP cũng sẽ mang lại một thỏa thuận ngầm giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và trong tương lai các rào cản thương mại giữa hai nước có thể sẽ được gỡ bỏ.

TPP cũng giúp nền kinh tế Nhật Bản hội nhập hơn nữa với các nước ở Bắc Mỹ. Điều đó sẽ khiến các nước sản xuất linh kiện ở Canada và Mexico, cùng với Mỹ đã phát triển nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ tiếp cận với các hãng xe của Nhật Bản, khi các hãng này vẫn chủ yếu đang hoạt động sản xuất tại các nước không thuộc TPP như Trung Quốc và Thái Lan.

5. Gây ra nhiều tranh cãi trong các nước thành viên

Trong cuộc bầu cử quốc hội Canada, sự kiện đàm phán TPP đã trở thành một trong những đề tài bàn luận về kinh tế chính. Cuộc đua giờ đây trở nên rất căng thẳng và ông Tom Mulcair, người đứng đầu Đảng Dân chủ Mới (NDP) của Canada đã tuyên bố rằng ông sẽ khước từ hiệp ước TPP nếu đảng của ông giành chiến thắng vào ngày 19/10. “Đảng NDP khi thành lập chính phủ vào ngày 19/10 sẽ không bị trói buộc bởi thỏa thuận bí mật mà Thủ tướng Stephen Harper đang đàm phán”, ông nói.

Canada không phải là quốc gia duy nhất nghi ngờ giá trị của TPP. Tại Mỹ, Úc và các nước khác, nhiều người đã đề cập đến điều khoản cho phép các tập đoàn nước ngoài có thể đối chất về những quyết định mà chính phủ các nước thành viên đưa ra trước diễn đàn quốc tế.

Tại Úc, vấn đề này là rất nhạy cảm bởi tập đoàn thuốc lá Philip Morris đã đệ đơn phản đối với chính phủ Úc trong khuôn khổ một hiệp ước đầu tư Hồng Kông về việc Canberra đưa ra quyết định đóng gói bao bì thuốc lá mà không cho phép hãng sản xuất gắn thương hiệu. Mỹ sau đó đã buộc phải đồng ý loại bỏ những điều luật liên quan đến thuốc lá và sức khỏe cộng đồng ra khỏi hiệp định TPP. Nhưng đây không phải là điều gây tranh cãi duy nhất.

6. Ảnh hưởng đến vấn đề thao túng tiền tệ

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất ở Mỹ về TPP đó là vấn đề giảm giá đồng tiền để có lợi thế cạnh tranh. Với việc đồng Yên đang yếu và sự xuất hiện của các hãng lớn như Toyota, ngành công nghiệp Hoa Kỳ và những nghị sĩ ủng hộ họ đã yêu cầu rằng Hiệp ước TPP nên có một điều khoản nhằm phòng chống thao túng tiền tệ.


Điều này nhiều khả năng sẽ không được đưa vào TPP, tuy nhiên theo một số nguồn tin tham gia vào cuộc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của các nước đã thông qua một thỏa thuận riêng nhằm ngăn chặn việc hạ giá đồng tiền để làm lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Mỗi nước trong TPP đều có những luật lệ riêng về vấn đề thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, không một nước TPP nào mong muốn thực hiện những cam kết trên bởi nó có thể dẫn đến việc trừng phạt bằng cấm vận thương mại.

7. Bước đột phá trong việc nâng cao tiêu chuẩn về lao động và môi trường

Từ năm 2007, đã có nhiều người nói rằng Mỹ phải nhắc đến những tiêu chuẩn về môi trường và lao động trong các cuộc đàm phán thương mại. Lần đầu tiên, những điều khoản trên sẽ được đưa vào trong hiệp ước TPP và những nước nào vi phạm sẽ có thể đối mặt với các hình thức trừng phạt thương mại.

Nhiều nhà hoạt động vì môi trường vẫn tỏ ra nghi ngờ về TPP, nhưng phía Mỹ khẳng định rằng hiệp ước này sẽ giảm vấn nạn vận chuyển trái phép các loài động vật gặp nguy hiểm, cũng như tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức của các nước tham gia TPP. Nếu các nước không tuân theo những cam kết trên, Washington sẽ dùng thỏa thuận này để buộc họ sửa đổi.

Các điều khoản về người lao động trong TPP cũng sẽ buộc các nước như Malaysia và Việt Nam thay đổi các điều luật lao động. Để được tham gia vào TPP, những nước này phải chứng minh rằng họ đang tuân theo những nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Các nước tham gia TPP cũng được yêu cầu phải đưa ra mức lương tối thiểu của mình. Họ cũng phải đưa ra những lệnh cấm những hành vi như việc các chủ thầu giữ hộ chiếu của những người lao động nước ngoài và yêu cầu trả tiền tham gia ứng tuyển, khiến người lao động rơi vào cảnh nợ nần.

8. Những bất lợi ở thị trường nội địa khi Việt Nam thực hiện TPP

Có năm bất lợi chính ở thị trường nội địa khi Việt Nam thực hiện TPP, cụ thể như sau:

- Bất lợi từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa từ các nước đối tác TPP.

- Bất lợi từ việc mở cửa các thị trường dịch vụ.

- Bất lợi từ việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Bất lợi từ việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang .tính thủ tục khi ban hành các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ...

- Bất lợi từ việc mở cửa thị trường mua sắm công.

 Nguồn: Tin tức Pháp luật