Ðại thắng mùa Xuân 1975 (30/4/1975 - 30/4/2021) - Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Ðại thắng mùa Xuân 1975 (30/4/1975 - 30/4/2021) - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi, lập nên chiến thắng hào hùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mang lại niềm vui trọn vẹn cho cả dân tộc. Thắng lợi này một lần nữa khẳng định nghệ thuật quân sự tài tình của cách mạng Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Ðây là một chiến công chói lọi trong nửa cuối thế kỷ XX của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng; là tài sản vô giá của dân tộc, để lại cho chúng ta những bài học quý báu trên nhiều phương diện.

Sau chiến thắng Phước Long (Tháng 1/1975), Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch hai năm (1975 - 1976) hoàn thành giải phóng miền Nam, nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và "nếu thiên cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975", để bớt thiệt hại về người và của.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã diễn ra gần hai tháng mùa xuân 1975 với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn.

Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975)

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng mà ta và địch cố nắm giữ. Nhưng do nhân định sai hướng tiến công của ta, địch chốt giữ ở đây một lực lượng mỏng. Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Sau khi đánh nghi binh ở Pleiku, Kontum, ngày 10/3/1975, ta tiến công và giải phóng Buôn Ma Thuột.

Đánh chiếm sân bay thị xã Buôn mê Thuột (chiến dịch Tây Nguyên 3- 1975)

Ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Đến ngày 24/3/1975, ta giải phóng Tây Nguyên với 60 vạn dân, hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ cuộc tiến công chiến lược phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng ( từ 21/3 đến 29/3/1975)

Với tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật phân tích, đánh giá chính xác tình hình so sánh lực lượng của ta - địch và dự báo sớm tình huống, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược ở Đà Nẵng và Cam Ranh. Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2 năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975 và xác định hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn.

Quân giải phóng tiến vào cầu Tràng Tiền - Huế

Quyết tâm của Bộ Chính trị được cụ thể trong phương hướng chiến lược: tập trung lực lượng của cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước mắt, tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, tiêu diệt được toàn bộ lực lượng địch trong vùng 1 chiến thuật, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, không cho chúng co về giữ Sài Gòn đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng

Chiến dịch tiến công chính thức bắt đầu từ ngày 21/3/1975, vào thời điểm sau khi địch tháo chạy khỏi Quảng Trị và Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tiền phương Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn rút khỏi Thừa Thiên - Huế, tổ chức phòng thủ chặn quân ta ở phía Bắc đèo Hải Vân. Trên hướng Thừa Thiên - Huế, cuộc tiến công của quân ta diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ trên ba hướng là Nam, Bắc và Tây Huế. Ngày 26/3, ta giải phóng hoàn toàn Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.

Sáng 29/3 quân ta tiến công Đà Nẵng, đến 3 giờ chiều tà chiếm toàn bộ thành phố. Cùng thời gian này, các tỉnh còn lại ven biển miền Trung, Nam Tây Nguyên, một số tỉnh ở Nam Bộ lần lượt được giải phóng. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi đã gây nên tâm lý tuyệt vọng trong nguy quyền, đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta tiến lên một bước mới với sức mạnh áp đảo.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 đến 30/4/1975)

Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị Trung Ương Đảng quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện cho tiền tuyến do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch nhằm động viên sự nỗ lực của cả nước vào công cuộc chiến thắng đồng thời quyết định thành lập thêm Quân đoàn III tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Ngày 14/5/1975, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Vào 17 giờ ngày 26/4, quân ta mở đầu chiến dịch, 5 cánh quân tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Đến 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4

11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên tòa nhà Phủ tổng thống, thành phố Sài Gòn - Gia Định được giải phóng hoàn toàn. Các tỉnh còn lại của Nam Bộ, nhân dân đã nhất tề nổi dậy và tiến công theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh. Ngày 2/5/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Ngày 30/4/1975 trở thành ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam. Ngày 07/5/1975, hơn một triệu đồng bào Sài Gòn và các tỉnh lân cận đã tham dự cuộc mít - tinh lớn mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng và chào đón Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn.

Không khí thành phố Sài Gòn trong ngày chiến thắng 30/4/1975

Cùng với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, sắc sảo của Bộ Chính trị, nghệ thuật tạo thế, lực và nhất là nghệ thuật chớp thời cơ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng.Với chiến thắng này, ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: đất nước độc lập, thống nhất, đi lên nước Chủ nghĩa xã hội.