Văn kiện Đại hội XII, phần xây dựng Đảng nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Nhiều ý kiến cho rằng “xây dựng Đảng về đạo đức” là một điểm nhấn, điểm mới trong nội dung xây dựng Đảng, là một sự bổ sung cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng hiện nay. Bởi đạo đức là gốc của con người mà hơn hết nền tảng quan trọng nhất để xây dựng, chỉnh đốn Đảng là giáo dục Đảng viên. Một câu chuyện cũ nhưng vẫn luôn mới, luôn cấp thiết trong mọi thời đại.
Bác Hồ, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong hai tác phẩm nổi tiếng của mình – Đường kách mệnh (năm 1927) và Sửa đổi lối làm việc (năm 1947) đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức trong xây dựng Đảng. “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Bác cho rằng, cán bộ phải rèn luyện đủ bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người. Rèn luyện cán bộ phải chú trọng cả đức và tài, tài là quan trọng nhưng đức là gốc. “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tác phẩm vô giá cuối cùng Người để lại.
Nhìn lại chặng đường 88 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta nhận thức và vận dụng một cách linh hoạt tùy thuộc vào từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Đó không phải là chuyện bây giờ mới có mà là sự xuyên suốt, đi sâu vào nhiều thế hệ Đảng viên. Nếu coi mỗi đảng viên là một “tế bào” của Đảng, thì trong “cơ thể” Đảng phải bao gồm những tế bào khỏe mạnh. Nếu trong cơ thể ấy luôn tồn tại một bộ phận không nhỏ các tế bào bị suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì tất yếu sức đề kháng của Đảng bị suy giảm và có thể là “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng”.
Để nâng cao năng lực, phẩm chất đảng viên và năng lực lãnh đạo của Đảng điều cốt yếu là giáo dục về tinh thần cộng sản và ý chí cách mạng, nắm và hiểu các quan điểm đổi mới, sáng tạo của Đảng. Khi nào và ở đâu đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt, và công tác lãnh đạo của Đảng mới thuận lợi. Trong điều kiện hiện nay, khi nguồn lực là có hạn đòi hỏi đảng viên phải đổi mới, sáng tạo không chỉ trong thời gian này hay thời gian khác, hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác mà phải luôn có đầu óc sẵn sàng áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất số một. Bên cạnh đội ngũ “vừa hồng vừa chuyên” người đảng viên cần phát huy vai trò trách nhiệm phê bình và tự phê bình. Mặc dù trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng công việc ấy không dễ dàng. Nó luôn đòi hỏi mỗi đảng viên phải nhận thức đúng đắn, phải tự phân tích mổ xẻ ngay từ chính bản thân mình; đồng thời, phải khách quan, công tâm trong nhận xét đánh giá người khác.
V.I. Lênin từng nhấn mạnh: Đảng Cộng sản kết nạp đảng viên mới không phải giúp họ có công cụ mưu lợi cá nhân, mà đòi hỏi họ phải gương mẫu, dẫn đầu trong cách mạng. Thực tế hiện nay, khi trong Đảng có nhiều biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đến mức nghiêm trọng, thì công tác giáo dục đảng viên càng trở nên cấp thiết. Mỗi Đảng viên cần nâng cao tinh thần gương mẫu, tự nguyện, dấn thân với tập thể và cống hiến cho đất nước. Có như thế, tầm quan trọng của đạo đức trong xây dựng Đảng đã được Bác Hồ và Đảng ta nêu lên từ lâu sẽ không nhàm chán, khô cứng mà rất gần gũi và thực tế.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết dựa trên nội dung mục “nghiên cứu – trao đổi” tạp chí của ban Tuyên giáo Trung ương: - “Giáo dục Đảng viên – Nền tảng quan trọng nhất để xây dựng, chỉnh đốn Đảng” (11/2017) - “Xây dựng Đảng về đạo đức – chuyện cũ hay mới” (12/2017).
Editor: Phùng Thị Diệu Hương
Writter: Nguyễn Quốc Đại Trường An