(ĐTCK) Sáng 27/11, phiên chung kết offline và bế mạc trao giải sàn giao dịch chứng khoán ảo FESE 13 năm 2016 đã diễn ra tại Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP. HCM thu hút tham dự của hơn 300 nhà đầu tư sinh viên.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cho biết, trải qua 13 mùa giải FESE đã chứng tỏ thương hiệu và uy tín của một sân chơi học thuật bổ ích giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong những mùa giải tới, cần có sự thay đổi và cải tiến mô hình theo hướng không chỉ giao dịch tài khoản ảo mà tiến tới giao dịch thật bằng tiền thật.
"Việc đầu tư bằng tiền thật sẽ giúp sinh viên có cảm giác cũng như ra những quyết định chuẩn hơn trong hoạt động đầu tư của mình", ông Năng cho hay.
Ông Năng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng chỉ có hơn 1,6 triệu tài khoản chứng khoán, còn tại Trung Quốc, dân số hơn 1,3 tỷ người có hơn 150 triệu tài khoản, trong khi mức sinh lời tại thị trường Việt Nam cao hơn Trung Quốc rất nhiều, có thể lên đến 50%. Hơn nữa, thực tế tại nhiều nước trên thế giới, sinh viên hoàn toàn có thể tham gia kiếm tiền trên thị trường chứng khoán nếu có đủ kiến thức. Đặc biệt, với việc ra đời các công cụ phái sinh cũng sẽ giúp nhà đầu tư sinh viên dễ dàng tiếp cận tham gia với yêu cầu vốn không quá
Nhà đầu tư sinh viên tham gia sàn giao dịch offline
Liên quan đến ý tưởng đầu tư bằng tiền thật, Trưởng Ban tổ chức FESE 13, Nguyễn Thị Mỹ Tiên, cho biết, Ban tổ chức cũng đã xem xét vấn đề này và nhận thấy nếu áp dụng ngay tức thì tâm lý của nhiều bạn sinh viên sẽ bị ảnh hưởng. Vì như hiện nay, để tham dự, mỗi bạn chỉ bỏ ra khoảng 25.000 đồng để mua 1 tài khoản ảo có giá trị đến hàng trăm triệu để đầu tư, có thể nói là đầu tư một cách thoải mái. Nhưng nếu áp dụng bằng tiền thật, có thể quyết định của các bạn sẽ e dè nhiều hơn, thậm chí một số bạn sẽ không dám tham gia.
Để giảm bớt lo ngại về vốn khi đầu tư, ông Năng cũng gợi ý, bên cạnh nguồn vốn tài trợ, cần có cơ chế hỗ trợ vốn từ nhà trường, đồng thời với một phần vốn góp của chính sinh viên. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro mất vốn, ban tổ chức nên đề ra một cơ chế khống chế lỗ 10%-15%. Nếu nhà đầu tư chạm mức này sẽ buộc phải cắt lỗ, đồng nghĩa bị loại khỏi cuộc chơi. Ngược lại, nếu lãi sinh viên sẽ hưởng lợi, dựa trên mức sinh lời đó tổng kết và xếp hạng.
Nếu như hầu hết sinh viên năm nhất và năm hai tham gia FESE chủ yếu để làm quen với thị trường, thì những sinh viên năm 3-4 đa phần có kinh nghiệm hơn và có nhu cầu, cũng như hoàn toàn có khả năng tham gia đầu tư bằng tài khoản tiền thật.
"Trước thực tế trên, trong thời gian tới, bên cạnh sàn giao dịch chứng khoán ảo, ban tổ chức FESE cũng sẽ liên kết với các công ty chứng khoán để tạo một sàn giao dịch thật, tại đây các nhà đầu tư sinh viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn sẽ có thể tham gia đầu tư bằng tiền thật. Việc kết hợp giữa thật và ảo sẽ tạo sân chơi thực tế và đa dạng hơn tùy theo kiến thức của mỗi sinh viên", đại diện FESE 13 chia sẻ.
Bên cạnh đó, FESE 14 dự kiến diễn ra trong bối cảnh năm đầu tiên đưa vào vận hành thị trường phái sinh, đây cũng là nội dung quan trọng để bổ sung cho hoạt động FESE đa dạng hơn trong thời gian tới.
Xuất sắc vượt qua hàng ngàn đối thủ khác, Huỳnh Thị Mỹ Ngọc, sinh viên trường Cao đẳng Công thương TP.HCM đã giành giải nhất ở hạng mục sàn giao dịch online.
"Sau 2 năm tham gia FESE, tôi học hỏi nhiều về cách giao dịch, cách ra quyết định đầu tư, việc giao dịch trên sàn ảo đỡ áp lực hơn, tuy nhiên nếu áp dụng bằng tiền thật thì quyết định cũng cân nhắc hơn. Với định hướng đầu tư dài hạn trên thị trường chứng khoán thật, FESE là nơi để tôi làm quen với những quy định, cách thức giao dịch chứng khoán cũng như mang đến những trải nghệm sát với thực tế nhất", Mỹ Ngọc chia sẻ.
Còn ở hạng mục giao dịch offline, Nguyễn Hữu Phương, sinh viên Đại học Kinh tế Huế đã xuất sắc giành vị trí quán quân.Riêng giải mô phỏng hội đồng quản trị xuất sắc nhất đã thuộc về câu lạc bộ FBG thuộc trường Đại học Kinh tế Luật.
Ngọc Nhi (Đầu tư Chứng khoán)