Ngày 22/12 hàng năm là thời điểm toàn thể nhân dân Việt Nam cùng hòa chung khí thế, sự nao nức đón mừng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một dịp để dân tộc Việt Nam cùng hướng mình về với lịch sử, để cùng lật giở lại những trang sử hào hùng mà nhìn lại quá trình ra đời và phấn đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”.
Vào tháng 12/1944, chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ảnh: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập (22/12/1944)
(Nguồn ảnh: vtv.vn)
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo. Đội được thành lập đầu tiên với chỉ có 34 người. Với hoàn cảnh chiến tranh thời bấy giờ, lực lượng của ta còn nghèo, nên trong đội chỉ được trang bị vỏn vẹn 34 khẩu súng các loại – là vũ khí mà quân địch bỏ lại trên chiến trường. Những con người trong đội lúc bấy giờ đều là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân,... là con em của các tầng lớp nhân dân bị áp bức, nên ở họ có lòng yêu nước sâu sắc, chí căm thù giặc cao. Bởi lẽ, chính họ đã cảm nhận được rõ ràng nhất mất nước đau khổ đến nhường nào, sống mà sự tự do không còn thì đớn đau biết bao nhiêu. Vì vậy, với một tinh thần thép, những con người ấy đồng lòng liên kết lại với nhau thành một khối vững chắc, hừng hực một khí thế, mà không tên địch nào có thể phá vỡ được.
Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phay Khắt (17h ngày 25/12/1944) và sáng hôm sau (7h ngày 26/12/1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Hai trận đánh đồn Phay Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từng bước phát triển và trưởng thành. Ngày 22/12/1944 được xác định là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội "của dân, do dân, vì dân"; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.
(Nguồn ảnh: vietnammoi.vn)
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân.
Mỗi một năm qua đi càng làm dày thêm lớp trầm tích của lịch sử. 22/12/2019 là tròn 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với sự nô nức của toàn dân đón chào ngày kỷ niệm, đoàn viên, thanh niên, những người trẻ mang trong mình sự nhiệt huyết, khát vọng lớn có cơ hội được nhìn nhận lại mình, xét xem những đóng góp của chúng ta dành cho đất nước đã đủ lớn so với những cống hiến đầy thầm lặng của những con người của lịch sử - những người đã mang lại sự làm chủ, tự do cho dân tộc mình? Hôm qua là lịch sử của hôm nay, hôm nay lại là lịch sử của ngày mai, mỗi một khoảnh khắc trôi qua đều sẽ trở thành lịch sử, vậy nên, chúng ta hãy thật nhiệt tâm, hết mình mà cố gắng và phát triển bản thân để mà cống hiến cho dân tộc mình, cho đất nước mình.