Kỷ niệm 76 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội - Bước trưởng thành của Nhà nước ta và Người dân Việt Nam tự quyết định vận mệnh lịch sử

Nối tiếp thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”.

 

Sắc lệnh số 14 - Sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội

(Ảnh Trung tâm Lưu trữ quốc gia)

Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Bác đã có “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, đăng trên báo Cứu Quốc số 134, ngày 5-1-1946. Rất giản dị, Bác đi vào vấn đề cụ thể, ngắn gọn, súc tích và rõ ràng: Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.

 

Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 05/01/1946,

trước thời điểm bỏ phiếu bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội) đầu tiên 1 ngày (Ảnh tư liệu)

 

Thực hiện lời kêu gọi của Bác, ngày 6-1-1946 hàng triệu người dân Việt Nam  từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu ra những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Sự kiện  đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử nước nhà, một bước tiến nhảy vọt, đánh dấu việc khai sinh Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 

 

Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên

của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 06/01/1946 (Ảnh tư liệu)

 

Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành trong không khí tràn đầy phấn khởi, sôi nổi trên khắp cả nước, ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. 

Kết quả cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (06/01/1946) (Ảnh sưu tầm)

 

Qua 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng vào công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: xác định các nguyên tắc bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và  đặc biệt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật. 

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)

Nguồn: Tổng hợp