Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội long trọng tuyên thệ 10 lời thề danh dự; trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, đối với Đảng; hết lòng phục vụ nhân dân, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt quân thù; sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng; ra sức đoàn kết và nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh của quân đội cách mạng…
Lịch sử ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam
Ngày 22/12/1944, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo. Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
Ngày 22/12/1944, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự. (Ảnh: Tư liệu)
Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25/12/1944 (ngay sau ngày thành lập), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập và đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và sáng ngày 26/12/1944 lại đột nhập vào đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết hết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh trận đầu của quân đội ta.
Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác...) thành Việt Nam Giải phóng quân; đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 4/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần đã giành thắng lợi ở nhiều nơi. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thương, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (9/1945). (Ảnh tư liệu)
Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Chiến thắng trận đầu Phai Khắt, Nà Ngần đã ghi vào truyền thống “Quyết chiến, Quyết thắng” của QĐND Việt Nam và truyền thống chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một mốc son lịch sử. Đây là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần dân tộc, của ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết chiến thắng giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, quân và dân ta đã bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ (1945-1954). Trước kẻ thù xâm lược có quân đội nhà nghề với trang bị hiện đại, trong lúc ta mới giành được độc lập, còn gặp muôn vàn khó khăn, quân đội còn non trẻ, trang bị hết sức thô sơ, chưa có kinh nghiệm tác chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của chúng, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng một nửa đất nước, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954. (Ảnh: Tư liệu)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), quân và dân ta tiếp tục phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, chiến đấu ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, lập nhiều chiến công xuất sắc. Quân và dân miền Nam đã lần lượt đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ-ngụy. Quân và dân miền Bắc hăng hái lao động sản xuất xây dựng CNXH, là hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam, đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Xe tăng Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh Tư liệu
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vừa mới kết thúc thì chế độ diệt chủng do Pôn Pốt cầm đầu ở Campuchia đã kích động hận thù dân tộc, tiến hành chiến tranh xâm lấn ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ với nhân dân Việt Nam sống dọc biên giới, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Campuchia. Đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ngày 23 tháng 12 năm 1978 Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công của quân đội Pôn Pốt. Sau đó, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Campuchia, đánh tan 21 sư đoàn quân Pôn Pốt, xoá bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo.
Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia xây dựng cuộc sống mới (Ảnh: Tư liệu)
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị với bản chất hiếu chiến và phản động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, "phi chính trị hóa quân đội" hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa…
QĐND Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; huấn luyện và quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, khí tài được trang bị. Nâng cao chất lượng toàn diện công tác huấn luyện, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động nhanh, huấn luyện trong điều kiện phức tạp, phù hợp với đặc điểm tác chiến hiện đại và nghệ thuật quân sự Việt Nam, bảo đảm luôn đánh thắng địch ngay từ trận đầu.
Trải qua 77 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, từ 34 chiến sĩ trong "đội quân đàn anh" ấy, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, sự chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội quân ấy đã không ngừng lớn mạnh, trở thành đội quân vô địch, bách chiến, bách thắng của dân tộc Việt Nam. Cũng trong hành trình những hành trình lịch sử, quân đội ta đã cùng toàn Đảng, toàn dân anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Nguồn: Tổng hợp