Kỷ niệm 91 năm Ngày Thành Lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2022)

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - 91 năm trưởng thành và cống hiến (26/3/1931 - 26/3/2022)

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Hàng năm, cứ đến tháng 3, tuổi trẻ cả nước lại sục sôi khí thế, hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng ngày truyền thống vẻ vang – ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931). Với tên gọi “Tháng thanh niên”, tháng 3 chính là dịp để tổ chức Đoàn khẳng định sứ mệnh thiêng liêng cao cả: là đội dự bị tin cậy của Đảng, lực lượng đông đảo, đội quân xung kích cách mạng, trường học Xã hội Chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam. Trải qua 91 năm cống hiến và trưởng thành dưới ngọn cờ của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, tổ chức Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam đã xây đắp nên những truyền thống vẻ vang, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, với chế độ Chủ nghĩa Xã hội.

 

Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI - Nhiệm kỳ: 2017-2022 (Ảnh: Trung ương Đoàn)

 

1. Quá trình thành lập, phát triển của Đoàn

 

Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. 

Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 – 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:

- Từ 1931 – 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương

- Từ 1937 – 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

- Từ 11/1939 – 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương

- Từ 5/1941 – 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam

- Từ 25/10/1956 – 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

- Từ 2/1970 – 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh

- Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

2. Những đóng góp trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Trải qua các kỳ Đại hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn thể hiện được vai trò xung kích, tiên phong hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai". Hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào “Tòng quân giết giặc lập công". Tiêu biểu như anh hùng Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Từ sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng. 

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất". Tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng" nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương".

Chủ tịch Hồ Chí Minh (áo đen, giữa) tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn (Ảnh: Tư liệu)

 

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích" thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là: “Thanh niên lập nghiệp" và “Tuổi trẻ giữ nước".

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định chọn là “Năm thanh niên Việt Nam". Từ thời điểm này phong trào “Thanh niên tình nguyện" có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện" đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX tập trung triển khai hai phong trào lớn là “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X là Đại hội của khát vọng tuổi trẻ. Đại hội đã quyết định tiếp tục triển khai 02 phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI với khẩu hiệu hành động “Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển". Tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện"; “Tuổi trẻ sáng tạo"; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc" trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù. Thu hút, tập hợp, giáo dục thanh niên qua phong trào góp phần phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của thanh niên, tạo môi trường thực tiễn rộng lớn, phong phú để giáo dục, rèn luyện, phát huy thanh niên.

Với những cống hiến to lớn trong 91 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước: 02 lần nhận Huân chương Sao Vàng, 02 lần nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, 13 Huân chương Lao động, 10 Huân chương Kháng chiến và nhiều phần thưởng cao quý khác. Điều đó khẳng định sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những cống hiến xứng đáng của thế hệ trẻ nước nhà và sự phát triển, lớn mạnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (Ảnh: Trung ương Đoàn)

Phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng đó, các cấp Đoàn và tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, kiên trì, kiên định thực hiện vị trí, chức năng, vai trò của mình trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; khơi dậy khát vọng dựng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nguồn Tổng hợp