Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 -20/10/2021)

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp rực rỡ”. Với  vai trò làm “nội tướng” trong gia đình và công dân của xã hội, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. 

 

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tại Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 4/1950.

(Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

 


Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua những chặng đường dài của lịch sử vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm. Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận phụ nữ là nguồn hạnh phúc, chăm sóc chồng con, đỡ đần cha già mẹ yếu. Là chỗ dựa cho gia đình trong nhiều phương diện cuộc sống. Có vai trò người yêu, người vợ, người mẹ, người phụ nữ luôn được yêu thương và chiếm vị trí quan trọng trong mọi tầng lớp người Việt. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được dân gian lưu truyền trở nên rất gần gũi và đầy tình yêu thương.

 


Đất nước bước sang trang sử mới. Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ngày 3/02/1930 Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng ta sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng cho phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, vào ngày 20/10/1930 Hội Phụ nữ chính thức được thành lập.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949.

(Ảnh: Tư liệu)

 


Từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Hội Phụ nữ được rèn luyện, trưởng thành qua từng thời kỳ cách mạng gắn liền với sự lớn mạnh và phát triển của cách mạng Việt Nam, với nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp ở từng giai đoạn cách mạng. Đó là: Hội Phụ nữ giải phóng (1930 - 1931); Hội Phụ nữ dân chủ (1936 - 1939); Hội Phụ nữ Phản đế (1939 - 1941); Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941 - 1945); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ 1946 đến nay). Từ đây, phụ nữ Việt Nam đã có tổ chức của riêng mình, có vị thế trong lịch sử dân tộc. Ngay sau khi ra đời tổ chức Hội Phụ nữ đã tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở Đảng, làm giao thông liên lạc từng bước phát động chị em tham gia đấu tranh chống bọn chủ bóc lột, đòi quyền lợi hàng ngày, tham gia rải truyền đơn, diễn thuyết, cắm cờ cách mạng, tiến lên khởi nghĩa cướp chính quyền  góp phần lớn làm nên cuộc kháng chiến thành công. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược luôn in đậm dấu ấn của những nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất; Nhiều chị đã phải đổ mồ hôi xương máu, hy sinh cho tổ quốc khi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.  Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như chị Nguyễn Thị Chiên, chị Hồ Thị Bi, nữ quân báo Lê Thị Tạo, những tên tuổi còn lưu danh muôn đời đó là: mẹ Suốt, chị Út tịch, các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, ...

 


Trải qua các thời kỳ vẻ vang của cách mạng, 90 năm qua kể từ ngày thành lập, từ các tổ chức tiền thân đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam luôn giữ vững được vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Qua các giai đoạn và các nhiệm kỳ Đại hội, Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phát động các phong trào, các cuộc vận động lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội nhân văn sâu sắc. Đó là phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền bắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương„ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (2008); Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (2010)...

 

Phụ nữ ba đảm đang thời kỳ chống Mỹ cứu nước (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

 

     91 năm qua, được Đảng, Bác Hồ quan tâm, dìu dắt, phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành và phát triển, tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh. Hội đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập”,... góp phần thực hiện các chương trình quốc gia, nhất là chương trình xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong hội viên phụ nữ, nữ cán bộ công chức, viên chức đã nỗ lực thi đua sản xuất, bảo đảm giờ công, ngày công. Đội ngũ trí thức phát huy trí tuệ, hội nhập, có nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất và phục vụ đời sống đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

Có thể nói, trải qua lịch sử 91 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam đã và đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội LHPN Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Hội chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội trong nước đã tổ chức thực hiện được nhiều chương trình hoạt động, tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để phụ nữ tiến bộ, bình đẳng. Tổ chức Hội được củng cố và phát triển, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 

Tổng hợp