Khởi đầu cho hành trình trưởng thành

"Tiêu cực thường là cái dễ nhìn thấy hơn, nhưng đừng vì vậy mà mất niềm tin. Sao không góp sức thay đổi nó hơn là đứng ngoài nhìn vào và chỉ mất niềm tin, rồi thôi!".

 

Nguyễn Thị Ngọc Khánh (thứ hai từ phải qua) trao đổi cùng các bạn trong Hội sinh viên trường về hoạt động Xuân tình nguyện Tết Đinh Dậu 2017 - Ảnh: Q.LINH

Nguyễn Thị Ngọc Khánh (24 tuổi) từng là bí thư Đoàn trường và được kết nạp Đảng tại Trường THPT Tịnh Biên (An Giang) năm 18 tuổi, khi vừa hoàn thành lớp 12. Ngọc Khánh tốt nghiệp khoa Đông phương học, nguyên chủ tịch Hội sinh viên trường và hiện là phó bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Chị cũng là phó chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020.

Cuộc trò chuyện giữa Tuổi Trẻ với đảng viên trẻ Nguyễn Thị Ngọc Khánh bắt đầu bằng câu chuyện “vào Đảng tuổi 18”. Ngọc Khánh chia sẻ:

- Từ nhỏ mình đã theo cha mẹ (đều là đảng viên) vào những lớp học nghị quyết của Đảng. Do công tác cùng ngành và vì để con ở nhà không có người trông, nên cha mẹ phải dẫn mình theo. Có thể nói mình đã nghe những điều đầu tiên về Đảng như vậy.

Tự nhìn lại thời gian qua, tôi tự tin rằng đã đủ trưởng thành khi tự nguyện viết đơn xin vào Đảng ở tuổi 18. Dĩ nhiên khả năng lý luận hay bày tỏ chính kiến trước một vấn đề lớn nào đó của xã hội hay trước một quyết sách của Đảng vào thời điểm ấy sẽ chưa thể vững vàng. Nhưng tuổi 18 đứng vào hàng ngũ Đảng, với mình là một cột mốc ghi dấu ấn cho hành trình rèn luyện, phấn đấu của một người cộng sản trẻ.

Hiện tôi là bí thư chi bộ sinh viên, có cơ hội tiếp cận với nhiều bạn đảng viên là học sinh phổ thông, cả những bạn đang là cảm tình Đảng và biết một số bạn có suy nghĩ được kết nạp Đảng là xong, xem việc được vào Đảng như cái đích cuối cùng của sự phấn đấu.

Nhưng đâu phải vậy! Tôi cho rằng vào Đảng mới chỉ là khởi đầu một chặng đường mới để mỗi đảng viên, nhất là đảng viên trẻ, phấn đấu, trưởng thành hơn từng ngày.

Tôi từng được nghe chia sẻ của một số bạn trẻ rằng vì nhìn thấy tiêu cực của nhiều cán bộ Đảng nên họ mất niềm tin và không muốn vào Đảng. Tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là chưa toàn diện.

Tiêu cực thường là cái dễ nhìn thấy hơn, nhưng đừng vì vậy mà mất niềm tin. Sao không góp sức thay đổi nó hơn là đứng ngoài nhìn vào và chỉ mất niềm tin, rồi thôi! Còn nhiều điều tích cực và quanh ta không thiếu đảng viên gương mẫu.

Hiện nay, có một cách hiểu là ai đó muốn được vào một vị trí, chức vụ nào đó thì phải vào Đảng trước đã. Nhưng thực tế bạn cần có quá trình rèn luyện, phấn đấu trưởng thành để được kết nạp Đảng và cùng với năng lực chuyên môn, trình độ lý luận đảm bảo thì mới có thể được xem xét bổ nhiệm vào những vị trí phù hợp.

Góc độ cá nhân tôi nghĩ rằng là đảng viên chỉ như điều kiện đủ, trong khi năng lực chuyên môn phù hợp, bản lĩnh chính trị vững vàng mới là điều kiện cần để một cá nhân được bổ nhiệm vào một chức vụ, vị trí nào đó.

Vì một đảng viên, nhất là đảng viên trẻ, khi nắm giữ chức vụ mà phát triển tích cực thì không nói làm gì, lỡ theo chiều hướng tiêu cực thì khác nào họ đang phải khoác chiếc áo quá rộng, mà nếu không đủ vững vàng lại càng dễ tiêu cực.

Tôi thấy chủ trương của Đảng là kiên quyết xử lý các vấn đề, vụ việc sai phạm, song tôi mong rằng cần xử lý triệt để hơn. Những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đã xử lý rốt ráo, thì những việc ít nghiêm trọng hơn cũng cần được xử lý tương tự, dù tôi biết thường chúng ta hay chọn cách giải quyết thấu tình đạt lý, tạo cơ hội để người mắc khuyết điểm thay đổi và chuyển biến tốt hơn.

Nguồn: QUỐC LINH ghi (Tuoitre.vn)