NHỮNG THÀNH VIÊN ĐẦU TIÊN CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CÔNG SẢN HỒ CHÍ MINH

MANG DÒNG HỌ LÝ
Sau khi sáng lập ra Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng ta (tháng 6-1925), mùa hè năm 1926, Nguyễn Ái Quốc, lúc này mang bí danh là Lý Thụy, cử Hồ Tùng Mậu, người đồng chí thân thiết của mình trở lại Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo nhằm xúc tiến việc xây dựng Thanh niên cộng sản đoàn.
Việc lựa chọn được thực hiện rất thận trọng, duy có một học sinh làm mọi người băn khoăn vì còn nhỏ tuổi quá (mới 12). Song cuối cùng, xét về cả tư chất và nhân thân, Hồ Tùng Mậu quyết định đưa vào danh sách, đó chính là Lê Hữu Trọng. Để đảm bảo tính hợp pháp và nguyên tắc bí mật, cả nhóm có bí danh và đều mang họ Lý. Lê Hữu Trọng mang bí danh Lý Tự Trọng; Đinh Chương Long mang bí danh Lý Văn Minh; Vương Thúc Thoại mang bí danh Lý Thúc Chất; Hoàng Tự mang bí danh Lý Anh Tự; Ngô Trí Thông mang bí danh Lý Trí Thông; Ngô Hậu Đức mang bí danh Lý Phương Đức (nữ); Nguyễn Thị Tích mang bí danh Lý Phương Thuận (nữ); Nguyễn Sinh Thản mang bí danh Lý Nam Thanh.
Tại tầng hai ngôi nhà 13A phố Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), đồng chí Lý Thụy yêu cầu Tổng bộ Hội Cách mạng thanh niên mà cụ thể là đồng chí Lê Hồng Sơn tổ chức một lớp học chính trị ngắn ngày...



TRƯỞNG THÀNH TRONG THỬ THÁCH
Thực hiện chủ trương đào tạo có hệ thống của đồng chí Lý Thụy, các đồng chí trong Tổng bộ đã liên hệ đưa 8 học sinh vào học tại trường Trung học Trung Sơn (Quảng Châu) trong lúc chờ đợi việc tiếp tục học tập tại Liên Xô. Ngày 22-7-1926, đồng chí Lý Thụy gửi thư cho Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đề nghị bạn nhận đào tạo những thiếu niên cộng sản trở thành những chiến sỹ Lêninnít.
Lời đề nghị của Người đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đáp ứng. Tuy nhiên, khi kế hoạch đưa các học sinh Việt Nam sang Liên Xô đang được chuẩn bị triển khai thì ngày 15-4-1927, sau khi Tôn Trung Sơn mất, phái hữu (phản động) trong Quốc dân đảng Trung Quốc phá vỡ sự hợp tác Quốc– Cộng, làm đảo chính ở Quảng Châu. Dưới lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, 8 thiếu niên tạm gác chuyện học tập tham gia cách mạng chống lại quân phản động. Ngày 11-12-1927, một cuộc khởi nghĩa do quân cách mạng tiến hành bùng nổ ở Quảng Châu. 8 thiếu niên chia thành từng nhóm gia nhập các đội tuyên truyền, liên lạc, tiếp vận phục vụ quân khởi nghĩa. Đây là thử thách quyết liệt đầu tiên đối với họ.
Tuy nhiên, khởi nghĩa Quảng Châu sớm bị dìm trong bể máu. Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức bị bắt nhưng đã không hé nửa lời, kiên cường chịu đựng đòn tra tấn của kẻ thù. Vì không tìm được bằng chứng, cuối cùng bọn phản động cũng phải trả tự do cho họ. Qua thử thách trong đấu tranh, 8 học sinh Việt Nam đều lần lượt được kết nạp vào Đoàn. Lý Tự Trọng là người đoàn viên thứ tám do đến năm 1929, Lý Tự Trọng mới đủ 15 tuổi.

HI SINH CHO CÁCH MẠNG
Trước yêu cầu mới, Lý Tự Trọng rời Quảng Châu sang Hương Cảng làm công nhân ở bến tàu để giúp các đồng chí ta nối đường dây liên lạc về trong nước và đi các nước. Một số đoàn viên khác trong lớp 8 đồng chí đầu tiên về sau tìm được cách sang Liên Xô tiếp tục học tập theo chủ trương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trước đây. Ngày 17-4-1931, Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp kết án tử hình do trước đó (ngày 8-2-1931), anh đã bắn chết tên mật thám Pháp cáo già khét tiếng tàn bạo Lơ-gơ-răng trên đường phố Sài Gòn, nơi có sân bóng đá La- ray- nie. Trước bọn quan toà thực dân, Lý Tự Trọng ngẩng cao đầu dõng dạc tuyên bố: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác".
Mười năm sau, khi quân đội Phát xít Đức tiến sát thủ đô Mátxcơva trong đại chiến thế giới lần thứ II. Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tự, ba trong số 8 đoàn viên đầu tiên cùng các đồng chí Việt Nam khác đang học tập và làm việc tại Liên Xô tình nguyện tham gia sư đoàn quốc tế bảo vệ Liên Xô. Cả ba đồng chí đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam Mátxcơva và đều được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Vệ quốc cao quý.
Trong các cuốn biên niên sử của Đoàn ta, Đội ta, tám người đoàn viên ấy - "tám cháu hiếm hoi từ bước đầu do Bác Hồ kính yêu bồi dưỡng, đào tạo, mãi mãi là tám đóa hoa ngát hương trong triệu triệu chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân vì lý tưởng cách mạng của Đảng, của Bác".

Sơ lược về tiểu sử 8 anh em nhà họ Lý

LÝ THÚC CHẤT
Lý Thúc Chất tên thật là Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 tại Kim Liên. Lý Thúc Chất là một trong những người có mặt trong đội ngũ Hồng quân Liên Xô chiến đấu bảo vệ Matxcơva. Thân sinh của anh là Vương Thúc Đàm bị thực dân Pháp bắt kết án tù chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản vì tội làm cách mạng và để con làm cách mạng. Năm 1986, Lý Thúc Chất được Xô Viết tối cao Liên Xô truy tặng Huân chương chiến tranh vệ quốc hạng nhất vì lòng dũng cảm và gan dạ trong các trận chiến đấu bảo vệ thành phố Matxcơva chống phát xít Đức xâm lược, Huy chương 40 năm chiến thắng phát xít và huy hiệu cựu chiến binh Liên Xô.

LÝ ANH TỰ
Lý Anh Tự tên thật là Hoàng Tự (có lúc đọc chệch là Tợ), sinh năm 1912 tại Kim Liên, Nghệ An. Lý Anh Tự mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 12 tuổi, Tợ đã lên đường hoạt động cách mạng theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh. Lý Anh Tợ cũng tham gia vào sư đoàn quốc tế bảo vệ Liên Xô. Anh đã hy sinh và được tặng thưởng Huân chương vệ quốc cao quý.

LÝ NAM THANH
 Nam Thanh tên thật là Nguyễn Sinh Thản, sinh năm 1908 tại Kim Liên, Nghệ An. Sau khi Nguyễn Sinh Thản ra đi, đến năm 1942, cả cha, anh và em gái đều tham gia hoạt động cách mạng và lần lượt hy sinh trong các cao trào chống Pháp ở Việt Nam. Cùng với Lý Thúc Chất và Lý Anh Tự, Lý Nam Thanh cũng tham gia vào đội ngũ Hồng quân Liên Xô.

LÝ PHƯƠNG THUẬN
Lý Phương Thuận tên thật là Nguyễn Thị Tích, sinh năm 1916 tại Nghệ An. Cô mất mẹ lúc mới ba tháng tuổi. Dưới sự dìu dắt của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thị Tích đã trở thành bạn học của Lý Tự Trọng, Lê Hồng Phong… ở Thái Lan, giao liên mật của Đảng ta ở Trung Quốc, Hồng Kông rồi trinh sát đặc biệt chống Tưởng ở Hà Nội. Một lần do sơ xuất từ bên ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc này lấy tên là Tống Văn Sơ bị mật thám Anh bắt giữ. Lý Phương Thuận cũng bị bắt cùng với Tống Văn Sơ. Mặc dù bị tra tấn bằng đòn roi nhưng Lý Phương Thuận một mực không khai báo, giữ tròn khí tiết của người đoàn viên thanh niên cộng sản. Luật sư Lô-dơ-bai nổi tiếng đã cứu thoát Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà tù. Lý Phương Thuận vô tội trở lại với đội ngũ chiến đấu của mình và sau Cách mạng tháng Tám 1945 về nước công tác.

LÝ VĂN MINH
Lý Văn Minh là bí danh của Đinh Chương Long

LÝ TỰ TRỌNG



Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng (1914-1931). Là một trong số 8 đoàn viên cộng sản đầu tiên, Lý Tự Trọng là người thứ 8 được kết nạp do đến năm 1929 anh mới đủ 15 tuổi. Năm 1931, trong khi bảo vệ cụ Phan Bội Châu diễn thuyết ở sân vận động Lareni (Sài Gòn), Lý Tự Trọng đã bắn chết tên mật thám Lơgrăng và bị bắt. Thực dân Pháp dùng mọi cực hình tra tấn nhưng anh không hề khuất phục. Đến cả bọn cai ngục cũng phải kính nể anh mà gọi anh là "Ông nhỏ". Anh bị kết án tử hình ở tuổi 17. Đứng trước máy chém, chàng thanh niên yêu nước vẫn ngẩn cao đầu và hát vang bài Quốc tế ca. Lời tuyên bố dõng dạc của anh trước bọn quan tòa Pháp vẫn được mọi người nhắc mãi cho đến ngày nay: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác…"

LÝ PHƯƠNG ĐỨC
Lý Phương Đức là bí danh của Ngô Hậu Đức (nữ). Cũng như các Đoàn viên khác, Lý Phương Đức luôn sát cánh với các chiến sĩ Cộng sản Trung Quốc cùng đội ngũ công nhân và quần chúng cách mạng, chiến đấu quyết liệt với quân đội của bọn phản động. Lúc đầu Lý Phương Đức và Lý Tự Trọng tham gia vào đội liên lạc. Khi khởi nghĩa Quảng Châu bị dìm trong bể máu do lực lượng và trang bị chênh lệch, các học sinh Việt Nam trường Tôn Trung Sơn cũng bị đánh đập, tra tấn. Lý Phương Đức, Lý Tự Trọng cùng một số anh chị khác đã khẳng khái hỏi lại: "Chúng tôi chỉ là học sinh. Các ông bắt chúng tôi về tội gì?". Không một ai hé nửa lời mà kiên cường chịu đòn roi của bọn chúng. Lý Phương Đức còn được xem là nữ chiến sĩ giao liên của Bác Hồ. Do hoàn cảnh kẻ thù đẩy mạnh mọi thủ đoạn săn lùng ráo riết, mọi hoạt động cách mạng phải tiến hành bí mật, chiến sĩ giao liên Lý Phương Đức cũng bị rơi vào tình trạng liên lạc trong phạm vi hẹp. Vì vậy sự đóng góp cho cách mạng của Lý Phương Đức còn chưa được nhiều người biết đến.

LÝ TRÍ THÔNG
Lý Trí Thông tên thật là Ngô Trí Thông, Lý Văn Minh và Lý Trí Thông đều nằm trong nhóm thiếu niên học sinh từ Đông Bắc Thái Lan đến Quảng Châu. Cũng như các bạn khác trong nhóm, Lý Văn Minh và Lý Trí Thông đều trải qua nhiều khó khăn, "các em đã để cha mẹ ở nhà hàng ngàn cây số để bí mật đến Trung Quốc", tham gia vào các đội tuyên truyền, liên lạc, tiếp vận… phục vụ quân khởi nghĩa.

Đoàn trường đại học Kinh tế - Luật