Sinh viên Kinh tế - Luật tìm hiểu con đường khởi nghiệp

Sáng 22/4, buổi giao lưu Doanh nhân – Sinh viên với chủ đề “Hành trang hội nhập” được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016 do BáoDoanh Nhân Sài Gòn tổ chức.



Các sinh viên ĐH Kinh tế - Luật được nghe nhiều trải nghiệm thú vị cùng những bài học khởi nghiệp hữu ích trong bối cảnh hội nhập từ 3 diễn giả - doanh nhân gồm: Bà Ngô Ánh Thái - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Lộc, bà Bùi Nguyệt Anh - Giám đốc Genecode Việt Nam và ông Trần Hải Linh – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ.

 

TS. Hoàng Công Gia Khánh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết nhà trường rất chú trọng việc tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, nắm bắt thực tế khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn tạo một nguồn quỹ giúp sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh

Nói về cơ hội hội nhập, doanh nhân Trần Hải Linh cho biết bên cạnh trau dồi thái độ làm việc tốt, sinh viên còn cần phải chuẩn bị sẵn những điều cơ bản nhất như hộ chiếu để luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội ra nước ngoài làm việc bất cứ lúc nào

Đồng tình với ông Trần Hải Linh, bà Bùi Nguyệt Anh cho rằng trong thời đại hội nhập ngày nay, hộ chiếu cũng quan trọng không kém gì chứng minh thư, giúp người trẻ nói riêng và mọi người nói chung khẳng định sự tồn tại của mình đối với thế giới

Sinh viên nêu trăn trở về con đường khởi nghiệp và những suy nghĩ về việc có nên bất chấp tất cả để tạo ra lợi nhuận mà không chú trọng đến đạo đức kinh doanh hay không

Doanh nhân Ngô Ánh Thái chia sẻ, điều quan trọng là người trẻ hiểu khái niệm khởi nghiệp như thế nào. Nếu hiểu khởi nghiệp là xây dựng sự nghiệp, phát triển sự nghiệp thì có thể khởi nghiệp bất cứ lúc nào. Còn nếu hiểu khởi nghiệp là tạo ra sản nghiệp bằng cách mở công ty để kinh doanh thì phải hội tụ nhiều yếu tố như hiểu biết về lĩnh vực muốn đầu tư, trang bị tinh thần thép để chịu được những trách nhiệm to lớn từ việc điều hành doanh nghiệp… Bà cũng nhận định, trong kinh doanh, những trường hợp vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả thường xuất phát từ lòng tham và sự thiếu hiểu biết, và những trường hợp đó chỉ là thiểu số

Sinh viên nêu thắc mắc, trong 4 năm học đại học, sinh viên có cần phải đi làm thêm hay không và phải học cách quản lý thời gian như thế nào

Sinh viên hỏi các diễn giả - doanh nhân về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý nhân sự

Sinh viên đưa ra thắc mắc, người hướng nội có nhiều cơ hội như người hướng ngoại hay không và có cần thay đổi bản thân mới đạt được thành công trong sự nghiệp hay không

Sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Kinh tế - Luật nêu thắc mắc, khi thực hiện một đề án kinh doanh để tham dự Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, tính sáng tạo hay tính khả thi được đánh giá cao hơn

Đã từng làm giám khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can ở mùa giải trước, ông Trần Hải Linh nêu quan điểm của mình rằng, ý tưởng sáng tạo chỉ có giá trị khi có tính khả thi nên tính khả thi thường được ưu tiên hơn

Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung – Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức GTTNLVC cũng cho biết, cuộc thi đề cao cả hai tiêu chí sáng tạo và khả thi. Tuy nhiên, mục tiêu mà cuộc thi hướng đến là những đề án tham gia sẽ được hiện thực hóa nên tính khả thi sẽ được chú trọng nhiều hơn

Khép lại chương trình giao lưu, doanh nhân Bùi Nguyệt Anh nhấn mạnh với các sinh viên ĐH Kinh tế - Luật, dù ở bất kỳ vị trí nào, người trẻ cũng cần luôn giữ cho mình một sức khỏe tốt, một thái độ tích cực và niềm đam mê lớn để mỗi ngày đều có thêm động lực để tiếp tục ước mơ, tạo tiền đề để trong tương lai có thể mang đến nhiều giá trị cho bản thân, gia đình và cộng đồng

Hàng trăm sinh viên ĐH Kinh tế - Luật tham gia buổi giao lưu doanh nhân - sinh viên

Sinh viên chụp hình lưu niệm cùng Trưởng ban tổ chức cùng các diễn giả - doanh nhân
 sau buổi giao lưu.

BÍCH TRÂM - Ảnh: QUÝ HÒA

http://www.doanhnhansaigon.vn