Nhân dịp tưởng niệm 31 năm các liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma, Trường Sa ngày 14-3-1988, Phòng Công tác sinh viên kính gửi quý Thầy Cô toàn cảnh về trận chiến Gạc Ma và những tượng đài bất tử của lịch sử Việt Nam
Trận chiến Gạc Ma hay còn gọi là hải chiến Trường Sa 1988 nổ ra vào ngày 14/3/1988. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc này, Việt Nam đã mất 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương.
Bối cảnh sự kiện
Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng chiều ngang từ đông sang tây khoảng 800 km chiều dọc từ Bắc xuống Nam khoảng 600 km. Quần đảo bao gồm hơn 100 đảo, bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 140 vị trí.
Đầu năm 1986, Trung Quốc bắt đầu đưa các tàu quân sự giả dạng tàu cá xuống trinh sát các bãi đá ngầm, lén lút đặt một số cột bê - tông để “đánh dấu chủ quyền”. Ngày 3/9/1987 Quốc hội Trung Quốc thông qua văn bản tách đảo Hải Nam khỏi tỉnh Quảng Đông, thành lập tỉnh Hải Nam và trắng trợn sát nhập quần đảo Hoàng Sa (họ đặt tên là Tây Sa) và Trường Sa (họ gọi là Nam Sa) của Việt Nam vào tỉnh Hải Nam.
Sau đó hải quân Trung Quốc liên tục cho tàu chiến giả dạng tàu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm. Trong các tháng 10 và 11/1987, Trung Quốc đưa Hải Dương 4, tàu trinh sát đội lốt tàu nghiên cứu khoa học và một số tàu chiến đi qua các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây; có lúc các tàu này vào sát đảo của Việt Nam ở khoảng cách 1 hải lý.
Ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra giữ các bãi cạn, trước mắt đóng giữ các điểm đảo Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ.
Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 1 tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu khu trục, 1 tàu đổ bộ, 1 tàu chở dầu và một số tàu hậu cần xuống phía Nam; ngày 26/1/1988, hải quân Trung Quốc chiếm đóng Đá Chữ Thập rồi nhanh chóng đưa lực lượng xuống củng cố thành căn cứ đầu cầu ở Trường Sa. Ngày 18/2, Trung Quốc chiếm thêm đá Châu Viên, rồi sau đó đưa lực lượng lên các bãi ngầm Ga Ven (26/2), Tư Nghĩa (Hughes, 28/2). Trong khi đó, hải quân Việt Nam đóng giữ thêm các bãi ngầm và đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3).
Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng lớn thuộc 2 hạm đội Nam Hải và Đông Hải xuống khu vực quần đảo Trường Sa, nâng số tàu chiến có mặt ở đây từ 9 lên 12 chiếc; ngoài ra còn có 3 tàu vận tải, 1 tàu đo đạc, 1 tàu kéo, 1 phao bè (ponton) lớn với ý đồ nhằm chiếm giữ cụm tam giác 3 bãi ngầm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao.
Mặc dù điều kiện phương tiện, trang bị của Hải quân nhân dân Việt Nam ở vùng IV thời điểm đó chủ yếu là tàu vận tải, sức chở hạn chế, hỏa lực yếu nhưng Bộ Tư lệnh Quân chủng vẫn hạ quyết tâm đóng giữ cụm tam giác Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao.
Diễn biến sự kiện
Ngày 12/3 tàu vận tải HQ-605 của Hải quân Việt Nam từ Đá Đông di chuyển đến để đóng giữ bãi Len Đao, 5h sáng 14/3 đến nơi và đổ quân, cắm cờ Việt Nam lên Len Đao; tàu vận tải HQ-604 xuất phát từ Cam Ranh hôm 11/3 đến bãi Gạc Ma lúc 9h ngày 13/3, cùng lúc tàu đổ bộ HQ-505 cũng đến Cô Lin. Đi trên 3 tàu này có 70 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 83 Công binh, 22 cán bộ chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146 và 4 cán bộ quan trắc, đo đạc biên vẽ bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu.
30 phút sau khi các tàu Việt Nam đến thả neo tại cụm 3 bãi ngầm này, một tàu hộ vệ và 2 tàu vận tải vũ trang của Trung Quốc từ bãi Tư Nghĩa chạy đến đe dọa, gọi loa yêu cầu tàu ta dời đi. Đến 21h đêm 13/3, các tàu HQ-604 và HQ-505 được lệnh của Quân chủng nhanh chóng đổ quân đóng giữ Cô Lin và Gạc Ma, cắm cờ xác định chủ quyền, vận chuyển vật liệu lên xây dựng trên bãi.
Rạng sáng ngày 14/3, hải quân Trung Quốc điều thêm 2 tàu khu trục trang bị pháo 100mm tăng cường cho các tàu đã đến trước đó tiếp tục uy hiếp, đòi các tàu và chiến sĩ quân đội Việt Nam trên bãi ngầm Gạc Ma phải rời đi, tuy nhiên các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, quyết không rời khỏi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ít giờ sau, khi tổ giữ cờ gồm 5 người thuộc Lữ 146 và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên bãi thì 4 tàu hộ vệ tên lửa và khu trục chạy đến, 1 tàu ở xa còn 3 chiếc áp sát chừng 2-300m. Tàu Trung Quốc dùng các xuồng máy chở 50 lính có trang bị tiểu liên AK, điện đài và súng ngắn đổ bộ lên bãi.
Gần 40 chiến sĩ trên tàu 604 lập tức xuống bãi hỗ trợ đồng đội. Phía Trung Quốc dùng lê đâm và và nổ súng bắn bị thương hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương thuộc tổ giữ cờ. Trước khi chết, Trần Văn Phương đã hô to “Thà hy sinh quyết không để mất đảo”.
Không buộc được cán bộ chiến sĩ ta rời đảo, phía Trung Quốc gọi tốp lính Trung Quốc rút lên tàu rồi sử dụng các loại vũ khí gồm trọng liên 12,7mm, pháo 37mm, pháo 76,2mm và trọng pháo 100mm bắn vào cán bộ chiến sĩ Việt Nam trên bãi và tàu 604. Sau khi bắn chìm tàu 604 các tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công, bắn chìm tàu 605 ở gần Len Đao và bắn cháy, gây hư hỏng nặng tàu 505 ở Cô Lin. Phía Trung Quốc thống kê đã bắn tổng cộng 285 viên đạn pháo 100mm, 266 viên đạn pháo 76,2mm và 37mm, không kể đạn súng bộ binh các cỡ. Trong khi đó Việt Nam chỉ có thể đánh trả bằng các loại vũ khí cá nhân AK-47 và B40.
Trong sự kiện bi hùng này, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân đã hy sinh, 9 người bị bắt. Cán bộ chiến sĩ đã giữ được hai bãi ngầm quan trọng Cô Lin và Len Đao, 5 chiến sĩ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.
Infographic về toàn cảnh sự kiện trận chiến Gạc Ma năm 1988:
GẠC MA, ƠI GẠC MA
Những làn đạn 31 năm về trước
Vẫn tươi nguyên và máu chảy ròng ròng
Sách chưa ghi nhưng lòng người đã tạc
64 tên Người vào gấm vóc non sông
Gạc Ma ơi, trong nỗi đau nước Việt
Có linh hồn, xương thịt của Gạc Ma
Người ngã xuống để tươi xanh trỗi dậy
Tỏa bóng chở che cho Tổ quốc ta
Xin hòa mình vào mênh mông biển cả
Hát ru Người yên giấc ngủ ngàn thu
64 người nhắm mắt để triệu người choàng tỉnh
Trái tim đập dồn về phía Trường Sa
Đất nước ơi bao thân người đã ngã
Máu của người thăm thẳm tím biển Đông
Ta quỳ xuống nâng trên tay giọt biển
Nghe trên môi tiếng Việt rực hồng
Nghiêng mình tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma (14-3-1988 - 14-3-2019)
Đồ hoạ: Trường Giang
Thực hiện: Minh Quân
Bài viết: Ban Tuyên giáo Đoàn trường
Nguồn: Báo Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải phóng