Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của V.I. Lê-nin là vô cùng vĩ đại, những đóng góp của Người cho giai cấp công nhân và những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới là đặc biệt to lớn, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.
V.I. Lê-nin (Ảnh: Tư liệu)
Bằng hoạt động lý luận và thực tiễn xuất sắc, V.I. Lê-nin đã bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trong giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản; lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận khoa học trở thành hiện thực sinh động, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Via-đi-mia I-lích Lê-nin sinh ngày 24/4/1870 tại thành phố Xim-biếc (ngày nay là U-li-a-nốp-xcơ) nước Liên Bang Nga, trong một gia đình trí thức Nga tiến bộ. Cha của Lê-nin, ông I-lia Ni-cô-lai ê-vích là một nhà hoạt động giáo dục tận tụy với nghề nghiệp, gần gũi với nhân dân lao động. Anh cả của Lê-nin, A-lếch-xan U-li-a-nốp tham gia hoạt động cách mạng ngay khi còn là sinh viên và đã bị kết án xử tử vì mưu sát vua Nga. Hoàn cảnh và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng to lớn, hình thành nên tính cách và phẩm chất tốt đẹp của Lê-nin.
Ngay khi còn ít tuổi, qua gia đình và người thân, Lênin đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ độc tài Nga hoàng. Năm 18 tuổi, Người nghiên cứu những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, G.V.Plêkhanốp và bắt đầu tham gia cách mạng, tuyên truyền tư tưởng mácxít. Năm 1891, Lênin tốt nghiệp ngành Luật, trường Đại học Petersburg và từ năm 1893 trở thành người lãnh đạo nhóm mácxít ở Saint Petersburg. Năm 1894, Lênin vào Đảng Xã hội Dân chủ Nga. Từ đấy, Người là một trong những nhà tổ chức, lãnh đạo cách mạng Nga.
Thực tiễn hoạt động cách mạng của Lênin vô cùng phong phú. Lênin là người đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga - tiền thân của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga, một đảng vô sản kiểu mới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, và thực hiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô Viết; là người đã làm chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực.
Lê-nin phát biểu trước các binh sĩ thuộc Hồng quân Liên Xô tại Quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 25/5/1919. (Ảnh: Tư liệu)
Sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin đã lãnh đạo những người Bônsêvích và nhân dân lao động Nga đấu tranh thắng lợi chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ thành công sự tồn tại của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Lênin là tổng công trình sư đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô Viết, trong đó đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP).
Lênin là người tích cực đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế vô sản, thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tập hợp mọi lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Người đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản.
Lênin đã phát triển vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác thành vấn đề dân tộc và thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa; đề ra những nguyên tắc có tính cương lĩnh của giai cấp vô sản về vấn đề dân tộc; coi phong trào giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; phê phán chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cũng như chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Khẩu hiệu của Mác “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” đã được Lênin phát triển thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.
Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã.
Lê-nin sau chiến thắng vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (Ảnh: Tư liệu)
Tên tuổi của Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.
Lê-nin mất đi, nhưng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người vẫn sống mãi trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Công lao vĩ đại của Lê-nin là ở chỗ Người đã phát triển Chủ nghĩa Mác trong những điều kiện của thời đại lịch sử diễn ra từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa Lê-nin là chủ nghĩa Mác trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc và của các cuộc cách mạng vô sản, của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Công lao vĩ đại của Lê-nin là ở chỗ lần đầu tiên Người đã biến những nguyên lý của chủ nghĩa Mác thành hiện thực cách mạng rực rỡ với thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga. Như Xta-lin đã chỉ rõ: "Chủ nghĩa Lê-nin là lý luận và sách lược về cách mạng vô sản nói chung, lý luận và sách lược về chuyên chính vô sản nói riêng". Như vậy, với đỉnh cao của trí tuệ loài người, cùng với học thuyết của Mác - Ăng-ghen, học thuyết của Lê-nin đã trở thành vũ khí vô địch của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức, trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng nhằm thủ tiêu mọi chế độ áp bức và bóc lột tàn bạo.
Tượng đài Lê-nin tại Hà Nội (Ảnh: Tư liệu)
Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, là dịp để chúng ta nhìn nhận, khẳng định những cống hiến vĩ đại của V.I.Lê-nin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại; chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục bổ sung và vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản của Lê-nin, của Chủ nghĩa Mác-Lênin cho phù hợp với thành tựu của cách mạng thế giới, của khoa học và công nghệ hiện đại; đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Đó cũng chính là thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lê-nin, thương nhớ đồng chí Lê-nin thì càng phải học tập và thực hành Chủ nghĩa Mác-Lênin”, “là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”.
NGUỒN TỔNG HỢP